HĐQT Tập đoàn Hoa Sen vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng 100% vốn 2 công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và TNHH MTV Đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận (chủ đầu tư của 2 dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và Đầu tư Khu công nghiệp Cà Ná hay còn gọi là siêu dự án thép Cà Ná).
Giá trị chuyển nhượng không thấp hơn chi phí thực tế mà Hoa Sen đã góp vốn vào 2 dự án trên tính đến thời điểm thực hiện giao dịch. Trước mắt, tập đoàn xác định tập trung tìm các đối tác lớn, có năng lực tài chính đang triển khai dự án tại tỉnh Ninh Thuận để xúc tiến chuyển nhượng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Hoa Sen cũng giải thể một số công ty con được thành lập để triển khai dự án ở Cà Ná gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Hoa Sen Quy Nhơn.
Tập đoàn Hoa Sen giải thích sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư các dự án.
Như vậy, Tập đoàn Hoa Sen chính thức từ bỏ siêu dự án thép Cà Ná sau gần 4 năm từ khi thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 9-2016.
Về nội tại, tập đoàn sẽ điều chỉnh chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt dộng sản xuất, kinh doanh và đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực cho mảng sản xuất kinh doanh sở trường là tôn - thép - nhựa; đảm bảo doanh thu, lợi nhuận hằng năm ổn định; cải thiện các chỉ số tài chính; kéo giảm dư nợ về mức 3.000- 4.000 tỉ đồng trong những năm tới; tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị, công nghệ thông tin và ERP; khai thác lợi thế của hệ thống phân phối bán lẻ.
Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HSG.
Tại đại hội cổ đông bất thường năm 2016, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Lê Phước Vũ nhấn mạnh nếu nhìn thấy Tập đoàn Hòa Phát lãi đến 2.000 tỉ đồng/quý từ thép, thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư". Dự án Cà Ná theo đó được tuyên bố đầu tư với tổng vốn lên đến 10 tỉ USD, mục tiêu sản lượng 16 triệu tấn thép/năm.
Dự án này được Tập đoàn Hoa Sen và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất triển khai. Bộ Công Thương sau đó đưa dự án vào dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
Tuy nhiên, vào tháng 4-2017, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná và đề nghị tỉnh Ninh Thuận tính toán kỹ hơn các vấn đề môi trường, nhu cầu thép trong nước cũng như tổng mức đầu tư dự án.
Tại đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 1, ông Vũ cho biết siêu dự án Cà Ná là mũi nhọn đột phá cho tập đoàn nhưng không làm được. Chủ tịch Hoa Sen cũng cho biết sau khi dự án Cà Ná bị tạm dừng, bản thân ông dành nhiều thời gian ở trên núi và chỉ đến công ty 1-2 lần mỗi tháng.