Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen vừa thông báo họp Đại hội cổ đông bất thường về chủ trương triển khai siêu dự án thép.
Cụ thể, HĐQT đề xuất triển khai đầu tư Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận tại Khu công nghiệp Cà Ná (Ninh Thuận) có công suất tối đa 6 triệu tấn một năm.
Tập đoàn Hoa Sen sẽ triệu tập Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 6-9 tới đây để xem xét chủ trương triển khai.
Dự án thép này có công suất gần gấp đôi so với tổng công suất sản xuất tôn, ống thép của Hoa Sen hiện tại. Dù chưa tiết lộ tổng mức đầu tư nhưng với công suất trên 6 triệu tấn, nguồn vốn có thể lên tới vài tỉ USD.
Hội đồng quản trị Hoa Sen cũng đề xuất Đại hội cổ đông uỷ quyền quyết định phân kỳ giai đoạn đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn, thời điểm đầu tư, hình thức đầu tư, lựa chọn công nghệ, đối tác, nhà cung cấp và tiến hành các thủ tục pháp lý.
Nếu dự án này được triển khai, Việt Nam sẽ trở thành công xưởng sản xuất thép của khu vực với hàng loạt công trình lớn do doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư. Với mức công suất trên, Hoa Sen sẽ là doanh nghiệp Việt có công suất sản xuất thép lớn nhất. Năm 2015, Hoà Phát - đại gia thép số 1 tại Việt Nam cũng chỉ mới đạt sản lượng 1,38 triệu tấn.
Mức công suất này chỉ đứng sau đại gia FDI đến từ Đài Loan là Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư là hơn 10 tỉ USD.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hoa Sen đạt sản lượng 1,1 triệu tấn. Tổng doanh thu đạt 14.280 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 605 tỉ đồng, hoàn thành lần lượt 56% và 92% kế hoạch năm.
Thực tế, Dự án Liên hợp Thép Cà Ná đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 do liên doanh Lion Group (Malaysia) và Vinashin làm chủ đầu tư, với tổng vốn đăng ký 9,8 tỉ USD.
Vào thời điểm được cấp chứng nhận đầu tư, Liên hợp Thép Cà Ná là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam. Cùng những bê bối liên quan đến tài chính, tham nhũng tại Vinashin, các bên không thể thu xếp được vốn và lần lượt rút khỏi dự án. Đầu năm 2011, Ninh Thuận đã rút chứng nhận đầu tư tại đây.
Cuối năm đó, Ninh Thuận lại chấp nhận cho Tập đoàn Năng lượng Đại Dương và Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng vật liệu nghiên cứu, lập dự án hạ tầng kỹ thuật công nghiệp Cà Ná.
Tuy nhiên, dự án xây dựng hạ tầng vẫn chưa có nhiều tiến triển. Giữa tháng 5-2016, Ninh Thuận tiếp tục thu hồi chủ trương đầu tư của dự án.
Như vậy, nếu Đại hội cổ đông thông qua, ông Lê Phước Vũ và các cộng sự sẽ thực hiện giấc mơ thép Cà Ná kéo dài gần một thập kỷ qua.
Ngày 18-7, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép. Mức thuế suất nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng một năm, từ 22-3-2017 đến 21-3-2018. Mức thuế này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22-3-2020 trở đi, thuế suất sẽ là 0%.
Đối với mặt hàng thép dài, thuế tự vệ chính thức năm đầu tiên sẽ là 15,4% kể từ ngày 2-8-2016. Từ 22-3-2017 đến 21-3-2018 mức thuế giảm về 13,9%; các năm tiếp theo thuế suất lần lượt là 12,4% và 10,9%. Nếu cơ quan quản lý không gia hạn thì mức thuế suất sẽ giảm về 0% từ 22-3-2020 trở đi. Đây được xem là một tin vui đối với doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.