Nếu theo những xét đoán thông thường, nước Mỹ không đáp ứng đủ tiêu chí để có thể sở hữu loại tiền tệ được coi như có vị thế tốt nhất thế giới.
Theo những phân tích mới đây trên New York Times, nợ công của Mỹ rất cao, khoảng 22 nghìn tỷ USD và tiếp tục tăng nhanh hơn.
Chính trị Mỹ gần đây có nhiều biến động, chính phủ Mỹ mới trải qua khoảng thời gian đóng cửa dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hệ thống ngân hàng Mỹ mới thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất tính từ thời Đại Khủng hoảng 1929.
Ảnh: New York Times
Tổng thống Mỹ chịu nhiều chỉ trích từ cả các nước đồng minh lẫn các nước đối địch khi mà ông phá vỡ nhiều nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, điều đó không khỏi khiến người ta lo ngại về khả năng đồng USD Mỹ sẽ mất đi vị thế đồng tiền trú ẩn an toàn.
Thế nhưng bản thân đồng USD lại nói lên câu chuyện khác. Những năm gần đây, đồng USD không ngừng thu hút dòng vốn tiết kiệm toàn cầu, nơi trú của nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng và vẫn là loại tiền giao dịch chủ chốt của nhiều loại hàng hóa như dầu.
Sức mạnh của đồng USD giúp cho chính quyền của Tổng thống Trump có nhiều quyền lực. Đồng USD với vị thế vững vàng giúp cho Bộ Tài chính Mỹ có thể tìm được bên mua trái phiếu ở mức lãi suất thấp, ngay cả khi mà nợ công tăng thêm đến 1,5 nghìn tỷ USD dưới nhiệm kỳ của ông.
Đồng USD giúp ông có thêm quyền lực áp đặt chính sách ngoại giao lên các nước khác bằng cách tăng quyền lực trừng phạt thương mại của ông, đặc biệt chống lại Iran và Venezuela.
Giáo sư kinh tế và chính trị quốc tế tại đại học Brown, ông Mark Blyth, nhận xét: “Cho đến nay, không có lựa chọn thay thế nào cho đồng USD. Chúng ta mắc kẹt với đồng USD, chính vì vậy nước Mỹ có quyền lực cấu trúc rất lớn”.
Số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy đồng USD Mỹ đã không ngừng có sức mạnh, tổng các khoản vay được định giá bằng đồng USD cho các bên vay tiền bên ngoài nước Mỹ, không tính các ngân hàng, tăng vọt trong khoảng thời gian từ cuối năm 2007 và đầu năm 2008.
Tình trạng trên vẫn xảy ra bất chấp nhiều dự báo rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đồng USD sẽ có thể mất đi phần nào sự thống trị của mình, khi mà hệ tư tưởng của nước Mỹ đang ngày một yếu đi trên toàn cầu, đồng USD sẽ giảm đi sức mạnh.
Trung Quốc đã không ngừng cố gắng củng cố vị thế của đồng nhân dân tệ để xứng với vị thế siêu cường của thế giới. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã không ngừng ký kết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với nhiều nước, trong đó phải kể đến Canada, Anh, Brazil.
Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã hết sức khuếch trương cho dự án hạ tầng quy mô toàn cầu với tổng vốn đầu tư lên đến 1 nghìn tỷ USD được biết đến với cái tên Vành đai & Con đường để khuyến khích đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn trên quy mô toàn cầu. Trong năm ngoái, Trung Quốc đã thành lập ra một cơ chế cho phép dầu được giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.
Thế nhưng hàng loạt các vấn đề kinh tế Trung Quốc, những lo lắng về nợ công tăng cao và băn khoăn từ các nước láng giềng về các khoản đầu tư của Trung Quốc đã cản trở nước này thực thi chương trình hạ tầng.
Biện pháp chặt chẽ của chính phủ Trung Quốc trong hạn chế mang tiền ra khỏi đất nước và việc Trung Quốc bắt giữ quá nhiều người nước ngoài khi có biến động địa chính trị, người ta không khỏi hoài nghi về việc sở hữu đồng tiền này.
Đối thủ tiềm tàng nhất của đồng USD chính là đồng euro. Vào tháng 9/2018, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker đã dành một phần trong bài phát biểu quan trọng của ông để nói về việc khối này đang dùng đồng USD trong 80% các giao dịch thanh toán ngành năng lượng, dù thực ra khối lượng năng lượng chỉ 2% xuất xứ từ Mỹ. Ông thực sự muốn thay đổi điều này.
Thế nhưng loại tài sản đầu tư bằng đồng euro được tin cậy nhất – trái phiếu chính phủ Đức có quá ít. Với văn hóa sợ nợ nần, Đức không muốn có tiền cho các hoạt động chi tiêu thông qua bán trái phiếu. Kết quả, những nhà đầu tư muốn tìm nơi trú ẩn và sinh lời cảm thấy họ có ít lựa chọn với đồng euro. Ngược lại, Mỹ bán trái phiếu gần như không hạn chế.