Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc mua về cả tuần vẫn không bị hư, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
Về màu sắc: hồng Trung Quốc đều có vỏ sẫm, bóng, màu sắc đẹp và to hơn hẳn so với hàng trong nước. Loại hồng này ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không mọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.
Hình dạng: Nếu như quả hồng Việt Nam có hình dạng tròn, dẹt trơn giống trứng gà, phần cuống có nhiều đốm đen, không có rãnh và vỏ có màu nhạt, có vết thâm, không đều màu thì quả hồng Trung Quốc lại tròn đều, to dẹt hơi vuông, có khía.
Vỏ: Hồng Trung Quốc có vỏ bóng, đẹp, có màu đỏ cam tươi, màu đậm và trên vỏ thường không có vết xước.
Kích thước: hồng Trung Quốc đều có kích thước đều nhau nhưng to hơn hồng Đà Lạt.
Hồng Việt Nam thường xấu mã, núm quả có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng, sắc đỏ không đậm như hồng Trung Quốc mà thường là đỏ hơi vàng, đỏ nhạt. Trong khi đó, hồng Trung Quốc lại có vỏ rất bóng, căng mịn rất đẹp.
Ngoài ra, hồng Trung Quốc bị tiêm hóa chất vào thẳng cuống nên trái hồng sẽ bị thối từ cuống tới trái, cuống lúc nào cũng có màu thâm đen.
Hiện nay, trên thị trường, hồng Đà Lạt được chia thành 3 loại chủ yếu là : hồng giòn, hồng trứng và hồng dẻo. Thông thường, các loại hồng đều được ngâm qua nước sạch hay nước vôi để bớt chát và nhanh chín hơn. Hồng chín sẽ được ủ khí nên dù quả chín đều, màu đẹp nhưng vị sẽ không thơm, nhạt và chát hơn những trái chín cây.
Loại hồng trứng Đà Lạt thì ngược lại. Qua ủ, hồng sẽ chín ngọt, dẻo, thơm. Qua ngâm nước hoặc nước vôi, hồng sẽ giòn, ngọt, không bị chát. Hồng này mua về nên ăn ngay. Nếu muốn để qua ngày thì nên cất vào tủ lạnh để hồng không bị nhũn. Còn hồng xanh để lâu sẽ bị mềm, mất độ giòn, ăn không ngon.
Hồng giòn (hay còn gọi là hồng xanh) thường có hình dáng tròn, màu xanh nhưng hơi ngả vàng, màu sắc không đều, không bóng. Ăn vào giòn, ngọt và hơi chát.
Hồng rất dễ bị hỏng nên nào vỏ càng đậm, càng đẹp thì chắc chắn đó là hàng Trung Quốc do bị bôi phẩm màu.
Năm nay trên thị trường còn xuất hiện một loại hồng vàng của Trung Quốc, có độ to và giá bán tương tự như hồng giòn Đà Lạt, nhưng có màu vàng đậm rất đẹp.
Chị Nga - một tiểu thương tại chợ Bà Chiểu cho biết: “Người mua thường họ chỉ mua bằng mắt nên cứ trái nào to, bóng, màu đẹp là chọn ngay. Thế nhưng, vỏ càng láng mịn, màu càng đậm, càng bắt mắt thì nhất định là hồng Trung Quốc đội lốt rồi.
Hồng chín tự nhiên rất khó có thể chín đều mà màu vẫn tươi và đỏ đều. Để hồng chín tự nhiên người ta thường lấy hồng ương rồi bôi thuốc lên là ngày mai có thể ăn được. Bởi vậy, hồng càng chín đỏ rực thì chỉ có dùng thuốc hóa chất thôi. Dù người mua có ngâm rửa sạch hay ngâm hồng với nước muối thì cũng không thể mất hết chất thuốc đó được".
Vì thế, cho dù hồng Đà Lạt có màu xấu thì người mua đừng có tưởng hồng đó không ngon. Màu xấu chứng tỏ hồng không bị tiêm thuốc kích thích.