Riêng sàn HoSE đã chiếm gần 230 triệu cổ phiếu, tương tư 5.017,7 tỉ đồng.
Trước đó, thị trường lập kỷ lục về giao dịch là vào ngày 20-2-2014 với gần 5.500 tỉ đồng trên cả hai sàn.
Có nhiều cổ phiếu được giao dịch đến hơn chục triệu đơn vị như SHB (23,61 triệu), PVS (15,25 triệu), PVT (13,49 triệu), VCG (12, 63 triệu) ITA (11,96 triệu), FLC (11,37 triệu)... tương ứng với giá trị giao dịch hàng ngàn tỉ đồng. Hầu hết những mã này đều nằm trong danh mục vào của các quỹ ETFs được công bố từ vài ngày trước.
Theo thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào gần 36 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 1.500 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần về lượng và hơn 4,4 lần về giá trị so với phiên trước. Đồng thời họ cũng bán ra gần 51 triệu đơn vị, tương ứng 1.695,65 tỉ đồng, gấp hơn 4 lần về lượng và 3,6 lần về giá trị so với phiên trước.
Trên sàn HNX, khối này đã mua vào gần 15,9 triệu cổ phiếu, trị giá 281,57 tỉ đồng và bán ra gần 25 triệu cổ phiếu, tương ứng 492,62 tỉ đồng. Lượng bán ròng của họ là trên 9,09 triệu cổ phiếu, ứng với giá trị bán ròng 211,05 tỉ đồng.
Về chỉ số, kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giữ được mốc 600 điểm khi tăng 1,49 điểm (tức 0,25%), đóng cửa ở 601,75 điểm. Còn HNX-Index cũng tăng 0,66 điểm (tức 0,73%) lên 90,36 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt mốc 90 điểm trong 3 năm trở lại đây.
Các chuyên gia đều nhận định thị trường đang được giao dịch rất tích cực do số mã tăng giá chiếm áp đảo trên cả hai sàn.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty chứng khoán Maritime Bank (MSBS) - cho biết nhà đầu tư đang rất tự tin và phấn khởi nên họ liên tục nộp thêm tiền để mua chứng khoán. Do đó, việc thanh khoản lập kỷ lục 6.000 - 7.000 tỉ đồng/phiên cũng không có gì bất ngờ. Với xu hướng hiện tại thì giao dịch chạm mốc 10.000 tỉ đồng sẽ đến trong tương lai gần.
Theo ông Khánh, cơ hội và rủi ro trên thị trường chứng khoán hiện nay khoảng 70/30, tương tự thời kỳ chứng khoán bắt đầu bùng nổ năm 2005 - 2006.
Chuyên gia phân tích ở một công ty chứng khoán lớn có trụ sở tại Hà Nội cho rằng lãi suất tiết kiệm đã giảm xuống chỉ còn 6%, vàng - ngoại tệ lại quá yên ắng, trong khi bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, chứng khoán trở thành kênh siêu “hot” hiện nay. Bằng chứng là tiền liên tục được đổ vào thị trường, từ 3.000 tỉ đồng lên hơn 5.000 tỉ đồng và đến giờ là gần 7.000 tỉ đồng.
Vị này cũng cho biết thời gian qua có rất nhiều người đã rút hết tiền tiết kiệm để đổ vào kênh đầu tư này mà không có chút đắn đo như trước. Điều này chứng tỏ kênh đầu tư này vẫn đang hấp dẫn, và xu hướng tăng điểm sẽ tiếp tục duy trì.