Dưới đây là chia sẻ của chị Lê Ngọc Thúy, 28 tuổi, hiện sống tại TP HCM.
Vợ chồng tôi đều từ tỉnh xuống TP HCM lập nghiệp. Chồng tôi là giáo viên một trường dạy nghề còn tôi là nhân viên ngân quỹ của một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Tổng thu nhập của hai đứa chỉ khoảng 15 triệu tháng. Chúng tôi yêu nhau khi học đại học, vì khác quê, nên muốn ở bên nhau chỉ có cách bám trụ lại thành phố là công bằng nhất. Năm 2015, khi bắt đầu tính đến chuyện cưới, chúng tôi cũng nghĩ đến việc mua nhà. Lúc đó, gom hết tiền tiết kiệm và xin bố mẹ, tổng cộng được 300 triệu, chúng tôi mua một căn hộ 700 triệu ở quận 8. Đầu năm 2016, chúng tôi được nhận nhà. Hiện tại, mỗi tháng, vợ chồng tôi phải đóng cho ngân hàng tầm 5,5 triệu cả gốc lẫn lãi.
Ảnh minh hoạ
So với trước đây thuê nhà trọ, tiền cho nhà ở của chúng tôi giờ tăng thêm 2,5 triệu/tháng nhưng đổi lại, chúng tôi được ở nhà của mình, không gian cũng rộng rãi hơn (hơn 50m2 với 2 phòng ngủ). Tôi cảm thấy quá hài lòng. Chung cư có sân chơi rộng rãi, thoáng mát. Chiều tối, các gia đình vẫn xuống đây tụ tập, giao lưu với nhau. Điều tôi ghét nhất ở đây chỉ là việc chờ thang máy. Tòa nhà 24 tầng nhưng chỉ có ba tháng máy nhỏ nên vào giờ cao điểm, đi thang máy từ nhà tôi xuống sân chung cư có thể mất đến 20 phút. Tôi khắc phục bằng cách đi sớm hơn chút. Vợ chồng tôi đều đi làm bằng xe buýt. Bến xe buýt nằm ngay trước cổng chung cư nên dù nhà cách chỗ làm khoảng 15km nhưng chúng tôi không thấy quá vất vả ở khâu đi lại.
Sau khi sinh con, đi làm trở lại vào tháng 11/2016, tôi làm việc không được tập trung, mấy lần nhầm lẫn phải đền tiền cho ngân hàng, lần ít vài trăm nghìn, lần gần nhất là 10 triệu. Vì thế, dù ngân hàng không đuổi nhưng sau kỳ nghỉ Tết, tôi cũng viết đơn xin nghỉ do lương không đủ để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, tôi cảm thấy không còn động lực làm việc.
Thời gian mới nghỉ việc, tôi khá buồn, may được mẹ và chồng động viên. Tôi nghỉ ở nhà rồi, có thể tự trông con nên mẹ tôi đi đi về về giữa Sài Gòn và Đắc Lắc để tiện chăm sóc bố tôi và thu hoạch cà phê, mật ong... Rảnh rỗi, tôi bắt đầu rao bán mấy sản phẩm quê nhà trên mạng xã hội. Đặc biệt, kể từ khi gia nhập nhóm của chung cư, nơi mọi người có gì bán nấy, lượng khách mua hàng của tôi tăng lên đáng kể.
Vốn là người thích nấu nướng, ngoài bán những thực phẩm mang từ quê, tôi bắt đầu bán cháo, bún, hủ tiếu.. khi tiện thể nấu cho nhà ăn. Tôi thường rao lên mạng từ hôm trước để mọi người đặt hàng, sau đó mới đi chợ, chế biến. Vì chỉ làm một mình, thỉnh thoảng có thêm sự hỗ trợ của mẹ nên tôi không dám nhận quá nhiều, tôi cũng chỉ nấu bữa sáng và bữa xế. Lấy công làm lãi, không tốn tiền mặt bằng, không tốn tiền nhân công, hôm nào bán được 50 phần ăn là tôi đã có khoản lãi tầm 250.000 đồng đút túi, cao hơn số lương tôi nhận được khi đi làm ngân hàng ngày trước. Nhiều hôm tính cả bán sáng và bán chiều, tôi có thể bán được gần 100 phần. Thỉnh thoảng, tôi làm thêm chà bông, lạp xường, xúc xích... Khách hàng của tôi 80% là hàng xóm trong chung cư, chỉ khoảng 20% là bạn bè quen biết.
Gần 10 tháng chuyển nghề, tôi không còn buồn nữa, bởi thu nhập hiện nay của tôi đã cao hơn hẳn ngày trước. Tôi được theo đuổi niềm đam mê nấu ăn của mình. Tôi cũng có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Tôi tin chắc, nếu không sống trong cái chung cư đông đúc cả nghìn hộ dân này, tôi sẽ không nhanh chóng tìm ra hướng đi cho mình như vậy, khi vốn liếng kinh doanh ban đầu chỉ là vài triệu. Giờ đây, trừ đi các khoản chi, vợ chồng tôi vẫn để dành ra được tối thiểu 5 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên, tương lai tôi không định sống mãi ở đây. Nhưng hiện tại, nó phù hợp với hoàn cảnh của chúng tôi: thu nhập vẫn thấp, con còn nhỏ, bản thân còn trẻ. Ngay dưới sân chung cư có trường mầm non, mọi cư dân đều có thể gửi con tại đây rất thuận tiện. Hàng xóm đều là những gia đình trẻ như chúng tôi, các bà ở quê lên bế cháu cũng chân chất như mẹ tôi, nên dễ hòa đồng. Sống ở đây, tôi cảm nhận rõ tình làng nghĩa xóm giống như ở quê mình vậy.