BIDV chi nhánh Bắc An Giang vừa thông báo bán khoản nợ và tài sản thế chấp của khách hàng để thu hồi nợ. Theo đó, một tài sản BIDV nhận gán nợ là 474 nền đất với tổng diện tích lên tới 101.733,5 m2 ở Khu đô thị mới thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Giá khởi điểm hơn 500 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, BIDV chi nhánh Bắc An Giang còn rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Can và Doanh nghiệp tư nhân Như Ý tại BIDV. Dư nợ gốc và lãi (bao gồm lãi trong hạn và lãi quá hạn) tạm tính đến hết ngày 28-11-2019 của 2 khách hàng này lên tới trên 1.153 tỉ đồng.
Tài sản bảo đảm của hai doanh nghiệp này là các lô đất rộng lớn cũng nằm trong Khu đô thị mới thuộc phường Vĩnh Mỹ, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Giá khởi điểm của loạt bất động sản được rao bán này là 1.153 tỉ đồng (bằng với tổng dư nợ gốc và lãi của khoản nợ).
Các ngân hàng tích cực rao bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ảnh: NLĐ
Bên cạnh rao bán loạt bất động sản, BIDV cũng tích cực rao bán tài sản thế chấp khác để xử lý nợ. Chẳng hạn, BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Tài sản cần bán đấu giá là 8 ôtô chở khách các loại với giá khởi điểm từ 848 triệu đồng đến 1,96 tỉ đồng. Đây là các ôtô chở khách loại từ 38-41 chỗ nằm, 2 chỗ ngồi được khách hàng thế chấp làm tài sản bảo đảm tại ngân hàng.
Vietinbank chi nhánh Đồng Nai cũng thông báo bán khoản nợ của Công ty Tân Mai Miền Trung để xử lý, thu hồi nợ vay. Dư nợ gốc và lãi của doanh nghiệp này tại Vietinbank chi nhánh Đồng Nai tạm tính tới cuối tháng 10-2019 là hơn 4.300 tỉ đồng, trong đó nợ gốc 2.439 tỉ đồng, còn lại là nợ lãi trong hạn và quá hạn.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền thuê đất tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi theo hợp đồng thuê đất giữa UBND tỉnh Quảng Ngãi và Công ty CP Tân Mai Miền Trung. Toàn bộ tài sản hình thành của Dự án đầu tư Nhà máy sản xuất giấy và bột giấy Tân Mai Miền Trung tại xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trên diện tích 45 ha; tài sản bảo đảm và cam kết khác của các cổ đông.
Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8-2019, các tổ chức tín dụng đã xử lý được 968.890 tỉ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tự xử lý là 629.200 tỉ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác… Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8-2019 còn 1,98%.