Nghiên cứu mới từ hãng bảo mật Kaspersky vừa công bố cho thấy xu hướng sử dụng ví điện tử và dịch vụ ngân hàng di động trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đang theo sát việc sử dụng tiền mặt.
Báo cáo "Xây dựng lộ trình an toàn hướng tới tương lai của thanh toán số ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương" do Kaspersky thực hiện, đã nghiên cứu sự tương tác của người dùng trong khu vực với các phương thức thanh toán trực tuyến hiện có, từ đó tìm hiểu yếu tố tạo thuận lợi hoặc cản trở việc áp dụng công nghệ này.
Một trong những phát hiện quan trọng của nghiên cứu là phần lớn (90%) những người châu Á được hỏi, đã sử dụng ứng dụng thanh toán di động ít nhất một lần trong 12 tháng qua, khẳng định sự bùng nổ của công nghệ fintech trong khu vực; 15% trong số đó mới bắt đầu sử dụng các nền tảng này từ khi có dịch Covid-19.
Các ngân hàng, ví điện tử liên tục cập nhật và cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm, và khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin tài khoản, mã OTP.
Philippines ghi nhận tỉ lệ người lần đầu sử dụng tiền điện tử cao nhất ở mức 37%, tiếp theo là Ấn Độ (23%), Úc (15%), Việt Nam (14%), Indonesia (13%) và Thái Lan (13%)…
Ông Chris Connell, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực APAC, cho biết dữ liệu từ nghiên cứu mới cho thấy tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ đạo tại APAC, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, với 70% số người tham gia khảo sát vẫn sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày.
Dù vậy, cũng có tới 58% và 52% người tham gia khảo sát sử dụng các ứng dụng thanh toán di động và ngân hàng di động ít nhất một lần/tuần hoặc nhiều lần trong ngày cho nhu cầu tài chính. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dân thử nghiệm kinh tế số, và trong 3-5 năm tới khu vực này có thể không còn sử dụng tiền mặt.
Các công nghệ tài chính đang ngày càng thu hút được sự chú ý của người dùng tại APAC nhờ sự an toàn và tiện lợi. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng họ bắt đầu sử dụng các phương thức thanh toán số trong thời kỳ đại dịch vì nó an toàn và thuận tiện hơn so với giao dịch trực tiếp.
Các nền tảng này giúp họ thanh toán trong thời gian giãn cách xã hội (45%) và đây là cách duy nhất họ có thể thực hiện các giao dịch tiền tệ trong thời gian này (36%). Có 29% người dùng cho rằng các cổng thanh toán số hiện an toàn hơn so với thời gian trước đại dịch.
Dù vậy, khi được hỏi về những băn khoăn lo lắng trước khi sử dụng các ứng dụng thanh toán và ngân hàng di động, những người sử dụng các ứng dụng này lần đầu tiên thừa nhận họ cảm thấy sợ hãi vì bị mất tiền trên mạng (48%) và sợ dữ liệu tài chính của mình bị lưu trữ trên mạng (41%). Khoảng 40% những người tham gia phỏng vấn nói họ không tin tưởng vào tính bảo mật của các nền tảng này…
Để thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, các chuyên gia của Kaspersky, đề xuất người dùng cần cảnh giác với tin giả và thận trọng khi chuyển giao thông tin nhạy cảm. Không đưa thông tin cá nhân hoặc thông tin bí mật lên mạng, đặc biệt khi được yêu cầu cung cấp thông tin tài chính và chi tiết thanh toán. Không chia sẻ mật khẩu, số PIN hoặc mã OTP cho gia đình hoặc bạn bè, vì điều này có thể bị tội phạm mạng lợi dụng để lừa lấy cắp thông tin truy cập ngân hàng…