Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa rao bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ. Đây là các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng theo các hợp đồng tín dụng đã ký.
Có tổng cộng hơn 260 khoản nợ của khách hàng được rao bán, với tổng giá trị hơn 6,58 tỉ đồng. Có điều, đây là những khoản nợ có giá trị khá nhỏ chỉ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, cao nhất là trên 100 triệu đồng. Cá biệt, có khoản nợ được rao bán giá khởi điểm chỉ 570.014 đồng.
Đây là những khoản vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm. Đáng lưu ý, các khoản nợ này được rao bán với giá khởi điểm bằng với giá trị ghi sổ khoản nợ (bao gồm gốc, lãi và lãi phạt) và cũng bằng với tiền đặt trước mà ngân hàng yêu cầu khách hàng khi mua khoản nợ.
Ngân hàng rao bán nhiều khoản vay tiêu dùng có giá trị ghi sổ chỉ vài triệu đồng
Vietinbank cho biết giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
Đây không phải lần đầu tiên ngân hàng này rao bán khoản nợ vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, hàng loạt khoản nợ của khách hàng vay với giá trị nhỏ thu hút sự quan tâm của thị trường.
Trước đó, trong lần trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc rao bán nợ vay tiêu dùng, đại diện Vietinbank cho biết đây là một trong những nghiệp vụ bình thường của ngân hàng theo quy định để xử lý, thu hồi nợ. Có những khoản nợ chưa xấu nhưng ngân hàng có nhu cầu vẫn được rao bán.
Giá bán khởi điểm bằng giá trị sổ sách là mong muốn của ngân hàng thu hồi nợ. Trong trường hợp không bán được, ngân hàng sẽ tính toán để hạ giá những lần tiếp theo.
Không chỉ rao bán nợ vay tiêu dùng, Vietinbank còn rao nhiều tài sản thế chấp gồm bất động sản, khoản nợ của doanh nghiệp gồm đất và nhà xưởng gắn liền với đất, máy móc thiết bị, phụ tùng…
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng tích cực đẩy mạnh thanh lý tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định dưới tác động của dịch Covid-19, tỉ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng có xu hướng tăng trong những tháng đầu năm 2021 nên sớm có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022.
Trên cơ sở báo cáo của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm nay và cuối năm 2022.