Có thể thấy, thanh toán điện tử đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Người dân giờ đây có thói quen và nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng nhiều hơn. Điều này đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy triển khai các phương tiện thanh toán điện tử tại các cơ sở kinh doanh từ bình dân đến cao cấp để mang lại tiện ích thanh toán cũng như trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Chính vì thế, ý nghĩa của buổi đào tạo kỹ năng Quản lý thu chi không tiền mặt nhằm trang bị cho các tiểu thương, nhân viên thu ngân kiến thức, kỹ năng thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó hỗ trợ họ khâu thanh toán chính xác và hiệu quả.
Sự kiện với sự tham dự của hơn 50 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Trong số đó, nhiều tiểu thương tham gia buổi tập huấn cũng sẽ góp mặt tại Lễ hội không tiền mặt - Cashless Town - lễ hội đầu tiên tại Việt Nam có 100% giao dịch thanh toán không tiền mặt, diễn ra vào cuối tuần này (từ ngày 16 đến 18-6) tại tuyến phố trung tâm Lê Lợi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Hơn 50 hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương trên địa bàn TP HCM đã tham gia sự kiện
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Nguyễn Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ - cho biết: "Với thanh toán không tiền mặt, chỉ cần trải nghiệm một lần là khách sẽ thích dùng lần hai, nhờ vào sự tiện lợi và nhanh chóng. Đó cũng là lý do tại Trung Quốc, phương thức thanh toán không tiền mặt đã tiến rất xa, người dân có thể đi nhiều nơi mà không cần tiền mặt".
Không những thế, nhìn ở góc độ quốc gia, thanh toán không tiền mặt là giải pháp mang lại giá trị vô cùng lớn, giúp kiểm soát thu chi một cách nhanh chóng và minh bạch, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đồng thời giảm chi phí về mặt nhân sự, vận hành... - ông Toàn nhận định.
Đi vào nội dung đào tạo chính, các đơn vị đã được chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay. Đồng thời, các đơn vị còn được hướng dẫn, thao tác thanh toán bằng thẻ nội địa Napas trên thiết bị chấp nhận thanh toán (POS) và thanh toán qua mã VietQR, cũng như cách thức xử lý nhanh chóng các sự cố gặp phải trong khi thanh toán không tiền mặt.
Nhiều đơn vị tỏ ra hứng thú khi được đại diện NAPAS hướng dẫn tạo mã VietQR ngay trên ứng dụng thanh toán của các ngân hàng (mobile app). Từ đó, các đơn vị sẽ có thêm công cụ thanh toán thuận tiện cho khách hàng, giúp quản lý thu chi tốt hơn.
"Quán ốc mở bán được bốn năm. Gần đây có khoảng 40% khách có nhu cầu trả tiền qua chuyển khoản, ví điện tử..., nhắm chừng sắp tới sẽ tăng hơn. Các bạn trẻ và cả nhiều cô chú cũng muốn thanh toán không tiền mặt. Mình tới chương trình hôm nay là vì thấy rất thú vị, phù hợp với nhu cầu" - chị Vũ Thị Ngọc Huyền (28 tuổi) hiện đang làm quản lý quán Ốc Nga (Q. Bình Tân) chia sẻ.
Không chỉ chị Huyền, anh Nguyễn Minh Phương Đại - chủ một đại lý phân phối bánh kẹo thuộc Công ty Bình Tây Food (Q.6) - hào hứng bày tỏ mong muốn được hiểu sâu hơn về thanh toán không tiền mặt. Hiện tại cửa hàng của anh đang cho khách trả tiền bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng, qua ví điện tử. Hầu hết đều là khách mua sỉ lớn hoặc các bạn trẻ (khoảng 30%-40%).
Đan xen phần chia sẻ và hướng dẫn chuyên sâu, chương trình tập huấn kỹ năng "Quản lý thu chi không tiền mặt" cũng mang đến phần minigame trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khuấy động bầu không khí với nhiều phần quà giá trị.