Nới vẫn khó vay
Ông đánh giá như thế nào về hàng loạt quy định mới nhằm nới lỏng điều kiện vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng?
Việc Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng một số điều kiện vay vốn gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua nhà. Tuy nhiên, vướng mắc nhất hiện nay trong thực hiện thủ tục vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỉ thì vẫn chưa được giải quyết, đó là quy định cơ quan, hoặc chính quyền địa phương phải xác nhận tình trạng nhà ở của người vay vốn.
Trên thực tế, cơ quan, chính quyền không đủ khả năng điều tra xem người vay vốn có nhà hay chưa, số lượng bao nhiêu, nên họ không dám xác nhận, hoặc cố tình trì hoãn việc xác nhận, làm kéo dài thời gian, thậm chí mất cơ hội cho người vay vốn, mua nhà. Theo tôi, cơ quan hay chính quyền địa phương chỉ cần xác nhận thu nhập, nơi cư trú của người vay vốn là được. Và nếu quy định này không được sửa đổi theo hướng đó, thì dù lãi suất có tiếp tục hạ thêm nữa, thời hạn cho vay vốn có kéo dài hơn nữa, thì chúng ta vẫn tắc.
Với quy định thông thoáng đó, liệu có xảy ra tình trạng người đã có nhà vẫn được vay vốn ưu đãi, làm mất cơ hội của nhiều người thu nhập thấp?
Kể cả trong trường hợp cơ quan, chính quyền đủ điều kiện đi xác minh tình trạng nhà ở của người vay vốn thì cũng vô ích, bởi khi đã cố tình che giấu, họ hoàn toàn có thể nhờ người khác đứng tên hộ. Mặt khác, chúng ta không thể vì nguy cơ gian lận (nếu có, tôi tin là không nhiều), mà lại gây khó dễ cho những người có nhu cầu chính đáng. Hơn nữa, chúng ta nên hướng đến mục tiêu quan trọng của gói hỗ trợ là làm sao để bán được thật nhiều nhà, nhất là khi mà giá nhà đâu có rẻ so với thu nhập của đại đa số người dân. Ngay cả lãi suất vay vốn, mức ưu đãi đó cũng chưa có gì ghê gớm.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng giảm lãi suất trong năm nay. Nếu mặt bằng lãi suất vay vốn tiếp tục giảm mạnh thì lãi suất ưu đãi phải tính như thế nào?
Theo nhận định của tôi, lạm phát cả năm của chúng ta chỉ trên 5%, giỏi lắm 5,5%. Lãi suất cho vay vốn đã giảm và sẽ tiếp tục giảm thêm 1-2% nữa trong năm nay. Còn nếu xảy ra tình huống, mặt bằng lãi suất thương mại thấp hơn cả lãi suất cho vay ưu đãi, phải nói đó là điều kiện quá tốt cho nền kinh tế. Trong trường hợp đó, chúng ta hoàn toàn có thể giảm thêm cho phù hợp với diễn biến của thị trường và đảm bảo đúng nghĩa “ưu đãi”.
Người mua nhà phải tỉnh táo
Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng phân khúc căn hộ chung cư giá thấp bất ngờ tăng chóng mặt gần đây?
Đó là câu chuyện của thị trường. Khi nhu cầu tăng lên, thì giá cũng phải nóng theo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, giới kinh doanh, đầu cơ rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt tâm lý khách hàng, họ cũng có công cụ, cách thức để “thổi” giá nhằm gia tăng lợi nhuận. Có thể, mức giá tăng chóng mặt đó mới là giá đề xuất, còn thị trường có chấp nhận giá đó hay không, phải trên căn cứ vào tỷ lệ giao dịch thành công ở mức giá đó. Do vậy, người có nhu cầu mua nhà, phải rất tỉnh táo, không bị cuốn theo tâm lý đám đông, mất tiền chênh lệch mà chưa chắc đã vay được vốn ưu đãi.
Những ngôi nhà có trong dự án hỗ trợ vay từ gói 30.000 tỉ chưa chắc đã đến tay người mua nếu họ không thực sự tỉnh táo
Theo quan sát của ông, có hay không chuyện ngân hàng thiếu mặn mà cho vay vốn ưu đãi, vì lo ngại phát sinh nợ xấu?
Trong trường hợp có phát sinh nợ xấu, cứ cho rằng tỉ lệ tới 10%, thì cũng chỉ tương ứng 3.000 tỉ đồng, lại chia đều ra thì mức tác động càng không đáng kể đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại. Bởi thực tế hiện nay, có những “đại gia”, chỉ riêng nợ xấu của họ cũng tới cả chục ngàn tỉ đồng. Nhưng tôi tin, tỉ lệ nợ xấu từ hoạt động cho vay này, nếu có phát sinh thì cũng thấp hơn nhiều kịch bản nói trên.