Đây là khuyến cáo được Công ty chứng khoán SSI đưa ra trong báo cáo về thị trường trái phiếu vừa phát hành.
Trong quý II/2021, các doanh nghiệp đã phát hành 164.000 tỉ đồng trái phiếu, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý đầu năm và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất trong quý II, với tổng cộng 67.000 tỉ đồng tăng 41% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong quý II vẫn đạt 97.000 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tính chung nửa đầu năm nay, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành hơn 208.000 tỉ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp ngành bất động sản dẫn đầu về lượng phát hành, tiếp đó là ngân hàng thương mại, năng lượng và khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng…
Lãi suất tiền gửi đang thấp hơn khá nhiều so với trái phiếu doanh nghiệp, giúp kênh đầu tư này tiếp tục sôi động
Đáng lưu ý, theo nhóm nghiên cứu của SSI, dù lãi suất phát hành trái phiếu bình quân của các doanh nghiệp (loại trừ trái phiếu ngân hàng) trong quý II là 9,95%/năm, đã giảm 0,33 điểm % so với quý đầu năm nhưng mức lãi suất này vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm. Mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên hiện chỉ từ 5,6-6,7%/năm.
"Chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi ở mức cao khiến thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay" - công ty SSI nhận định.
Trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỉ đồng trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ năm ngoái nhưng không bất ngờ khi quy định người mua phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.
Theo SSI, từ đầu năm đến nay, tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn huy động khiến chênh lệch tiền gửi - tín dụng của toàn hệ thống thu hẹp đáng kể. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, do đó, lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho các ngân hàng thêm 2%-6% tùy vào chất lượng tín dụng và các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Hạn mức tín dụng mới vẫn thấp hơn đề xuất của các ngân hàng thương mại và thấp hơn cùng kỳ năm 2020, do đó, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao. Lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.
Các chuyên gia phân tích của SSI dự báo trong quý III/2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục sôi động từ cả phía cung và phía cầu do việc tiếp cận vốn tín dụng vẫn hạn chế và mức lãi suất hấp dẫn của kênh đầu tư này vẫn được duy trì. Tuy vậy, rủi ro thị trường sẽ gia tăng vì hầu hết các doanh nghiệp đều tổn thương do dịch bệnh dai dẳng, nhà đầu tư cần thận trọng hơn.