Theo một số chủ tiệm tạp hóa, việc thuê mặt bằng ở Phú Mỹ Hưng rẻ nhất cũng phải 30 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại khu vực này gần như không có các tiệm nhỏ lẻ chuyên bán hàng hóa nhu yếu phẩm. Vì thế, một số người có ý tưởng đưa các mặt hàng này lên ô tô để bán lưu động.
Chị Hạnh - người bán tạp hóa cho biết: Chiếc ô tô mà chị đang sử dụng được mua từ một tiệm phế liệu với giá 140 triệu đồng. Sau đó, chị thuê người dỡ bỏ tất cả các ghế, sơn lại màu xe rực rỡ nhằm thu hút khách hàng. Tuy diện tích xe khá nhỏ nhưng hàng hóa bày bán không hề thiếu món nào.
“Do xe khá cũ, di chuyển “cà rịch cà tang” nên tôi “chốt” trên lề đường để bán hàng. Còn những tiệm tạp hóa khác, họ mua ô tô còn tốt, có giá 200-300 triệu rồi di chuyển quanh khu vực Phú Mỹ Hưng mời gọi người mua hàng”, chị Hạnh nói.
Bà Trần Thị Bích, 40 tuổi – chủ một tiệm tạp hóa khác cho hay khách hàng chủ yếu là những công nhân xây dựng, tài xế và những người chăm sóc cây xanh. Mặt hàng mà họ mua nhiều nhất là mì gói, nước ngọt…Còn những người thường trú tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng thường là các đại gia rất ít khi mua hàng tại các xe ô tô kinh doanh tạp hóa
Theo bà Bích, để có một số tiền lớn mua mua ô tô, phần lớn các chủ tiệm phải vay tiền ngân hàng. Lúc đó, nhiều người khuyên không nên kinh doanh tạp hóa bằng ô tô lưu động vì tiền thu về là bạc lẻ không đủ trả lãi ngân hàng. “Thế nhưng, qua 5 năm kinh doanh tạp hóa trên ô tô, kiêm luôn việc giao mì gói, cơm tận nơi cho công nhân, nhân viên văn phòng…bình quân mỗi ngày lãi 250.000 đồng, tôi gần như đã thu hồi được vốn”, bà Bích cho biết
Anh Lê Văn Tùng – một công nhân xây dựng ở quận 7, cho biết khu vực này rất khó tìm được những điểm tạp hóa bán đồ ăn, thức uống phù hợp với túi tiền, tác phong của người lao động phổ thông. Nếu vào mua hàng hay ăn uống tại các siêu thị, cửa hàng cao cấp thì giá cả quá cao, lại không phù hợp với bề ngoài lúc nào cũng lấm lem. Vì thế, các tiệm tạp hóa trên ô tô là địa chỉ được nhiều công nhân đến ăn cơm hoặc mua hàng hóa lặt vặt.