Dưới đây là chia sẻ của anh Nguyễn Ngọc Trường, 34 tuổi, hiện sống ở TP HCM về sai lầm trong lần đi mua bất động sản của mình.
Ảnh minh họa
Đầu năm 2010, tôi có một khoản tiền 120 triệu do dồn tiền lương cả năm mới nhận. Tôi làm việc tại quận 1, TP HCM, vẫn đang ở trọ. Lúc đó, tôi cũng chưa có ý định mua đất hay nhà vì chỉ thích sống ở những khu vực nào cách nơi làm việc của mình không quá 7km. Số tiền tôi có may ra mua tối đa được 10m2 đất trong hẻm sâu.
Tiền cứ để đấy thôi, chưa có ý định làm gì nên khi được đứa bạn rủ mua đất ở Tam Phước, Long Thành, Đồng Nai, tôi đồng ý luôn. Bởi tính tôi không giữ được tiền. Thanh niên độc thân, dễ mua sắm linh tinh hoặc cho vay mượn, hay làm những việc vô nghĩa.
Một bác người quen của tôi mua một miếng đất lớn rộng mấy ha, người bán không tách lô nhỏ, bác không đủ tiền mua toàn bộ nên rủ chúng tôi góp tiền mua chung. Bác sẽ làm một giấy viết tay bán cho tôi một lô đất rộng 300m2 với số tiền 120 triệu. Toàn bộ miếng đất lớn lúc đó vẫn là đất thổ canh, bác dự định sau đó sẽ chuyển đổi sang đất thổ cư, rồi tách lô nhỏ, làm sổ cho chúng tôi, đồng thời ông cũng phân lô bán dần. Khi nào đổi mục đích sử dụng và tách lô, phần thuế của ai, người đó sẽ đóng.
Tôi từng đi xem miếng đất đó. Vẫn là một khu đất trống, cỏ mọc hoang. Xung quanh bán kính khoảng 2km hoàn toàn chưa có nhà ở. Gần đó, có nhiều lô đất đã cắm cọc. Mọi người nói, tương lai khu đất này sẽ sầm uất vì nó sắp được sáp nhập vào thành phố Biên Hòa.
Việc mua bán của chúng tôi lúc đó chỉ là giấy viết tay, cũng chưa có bản đồ xác định tọa độ miếng đất. Mua đất xong, tôi cứ để đấy vì chưa có nhu cầu sử dụng ngay nhưng cảm thấy yên tâm vì có chỗ cất tiền an toàn. Tôi cũng không mấy khi có việc đi Đồng Nai nên cả năm không thăm nom gì tài sản của mình. Thỉnh thoảng tôi gọi điện hỏi thăm bác đã chuyển đổi mục đích sử dụng được chưa, đã tách sổ được chưa để tôi góp nốt tiền đóng phí cho cơ quan quản lý nhà nước thì bác bảo giấy tờ hơi lâu, mất cả năm mới xong.
Năm 2014, tôi cần tiền để làm ăn, tính về Đồng Nai bán đất nhưng rồi cay đắng nhận ra không biết mảnh đất của tôi giờ ở đâu và số phận nó ra sao. Đi quanh xã Tam Phước, tôi thấy những con đường mới, những ngôi nhà mới. Và tôi không biết mảnh đất lớn của ông bác cũng như lô đất nhỏ của mình ở đâu. Thằng bạn tôi cùng vài đứa bạn khác cũng mua đất đợt đó với tôi, giờ đứa về quê, đứa ra nước ngoài, đều chịu không biết tìm đất của mình ở đâu. Dò hỏi thêm, chúng tôi biết ông bác vừa mất.
Lúc đó, tôi đã xác định mình mất miếng đất đầu tiên mua trong đời. Số tiền tôi bỏ ra mua đất, nếu gửi ngân hàng đến giờ, tính lãi 8%/năm thì được khoảng 200 triệu. Cũng may, hiện tại công việc của tôi tương đối tốt, tôi đã lập gia đình, có hai cháu nhỏ, cũng đã mua được một căn nhà ở quận 8 nên sai lầm thời tuổi trẻ có thể được bỏ qua. Sau này tôi cũng có mua đi bán lại vài miếng đất, ngôi nhà, nhưng không bao giờ tôi dại dột mua bằng giấy tay và ở những nơi chưa có cơ sở hạ tầng như trước.
Giờ nghe mọi người nói về những cơn sốt đất ở Long Thành, hay Biên Hòa, Đồng Nai, tôi lại nghĩ thầm, không biết miếng đất của mình giờ được định giá bao nhiêu?
Ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc một công tư môi giới và dịch vụ bất động sản tại TP HCM, chia sẻ kinh nghiệm của mình là dù mua đất để ở hay đầu tư, hãy nhìn vào hiện trạng của miếng đất, nên mua ở những khu đã phát triển hoặc đang phát triển cho an toàn và cũng dễ bán lại hơn. Nếu mua đất ở những khu "tương lai sẽ phát triển", may mắn bạn có thể mua được đất rẻ, nhưng rủi ro cũng rất nhiều, có thể cả chục năm bạn vẫn không xây nổi nhà khi cơ sở hạ tầng ở đây không có.
Ông Dũng nhận xét, một số người ít tiền và liều lĩnh, mua bất động sản bằng giấy tờ viết tay. Tuy vậy, khi mua nhà, bạn còn có thể vào đó ở hoặc thậm chí khóa cửa để giữ tài sản, nhưng đất rất khó giữ khi bạn không thể ở đó 24/24, mua bằng giấy tờ tay lại không thể xây dựng được. "Muốn không mất đất, mua đất nên xây dựng ngay, hoặc quây kín, có nhiều trường hợp dù không mất toàn bộ nhưng cũng bị hàng xóm xây dựng trước đã lấn chiếm đôi chút", ông Dũng cảnh báo.