Sau một thời gian dài giá vàng không còn là mối bận tâm của người dân, chênh lệch vàng thu hẹp về mức trên dưới 2 triệu đồng/lượng. Nhưng thời gian gần đây, dù sức mua không tăng, khoảng cách chênh lệch giá vàng đột ngột bị "đẩy" lên mức 4 triệu đồng/lượng, rồi trên 5 triệu đồng/lượng. Câu hỏi là tại sao cơ quan quản lý khẳng định chính sách bình ổn với thị trường vàng mà mức độ chênh lệch giá cứ "mỗi ngày tăng lên"?
Mới đây, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy PC47, Công an tỉnh Điện Biên vừa phát hiện và bắt giữ một vụ buôn lậu 15kg vàng trị giá gần 16 tỉ đồng qua biên giới. Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới khá lớn đem lại lãi “khủng” từ vàng.
Phải chăng vì sự quan tâm của người dân với vàng đã “nguội lạnh” nên cơ quan quản lý cũng “buông” thị trường vàng và để kéo dài trạng chênh lệch giá vàng cao như hiện nay? Liệu có gì bất thường trong việc quản lý và điều hành giá vàng?
Trao đổi với PV, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, “bắt mạch” buôn lậu vàng lại bắt đầu xuất hiện trở lại trước tiên là do quản lý lỏng lẻo.
Ngoài ra, và đồng thời cũng là chuyên gia tài chính – ngân hàng nhìn nhận, cũng không thể phủ nhận giá vàng trong nước đang “vênh” quá xa với giá thế giới là một phần nguyên nhân dẫn tới hệ lụy buôn lậu vàng.
Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lại đẩy lên trên 5 triệu đồng/lượng. Ảnh: Internet
Dù nhận định có nguy cơ buôn lậu vàng bùng phát trở lại, nhưng ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng, vẫn chưa cần thiết phải đấu thầu vàng miếng trở lại – bấy lâu vẫn được coi là một trong số giải pháp để kéo khoảng cách chênh lệch giá vàng xuống.
Ông Kiêm phân tích cụ thể hơn, thực tế cung cầu vàng trong nước lúc này không còn xảy ra hiện tượng căng thẳng như cách đây hơn một năm. Giá vàng trong nước cũng không còn những cơn “sốt giá sình sịch”, thậm chí người dân còn quay ra “thờ ơ” với vàng.
Thêm vào đó, sản xuất kinh doanh đã bắt đầu “trỗi dậy”, thị trường bất động sản và chứng khoán đang trên đà “ấm” lên, nên vàng không còn là nơi trú ẩn và sinh lời như trước.
Ông Kiêm cũng nhấn mạnh trong tình hình thị trường còn “bùng nhùng” như hiện tại thì giữ tiền đồng và gửi tiền vào ngân hàng, dù lãi suất thấp, nhưng vẫn bảo toàn hơn cả.
Chia sẻ với PV bên hành lang Quốc hội sáng 5-11, ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng, không có căn cứ để nói chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao dẫn tới hiện tượng buôn lậu vàng.
"Tôi chưa thấy nguyên nhân. Dĩ nhiên, càng kéo khoảng cách giá vàng lại là tốt”- ông nói.
ĐBQH Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng không có căn cứ để khẳng định chênh lệch vàng cao khiến buôn lậu vàng bùng phát trở lại
Vị ĐBQH và cũng là chuyên gia tài chính nhấn mạnh, buôn lậu vàng có thể tồn tại nhưng điều quan trọng hơn cả là người dân đã không còn quan tâm, thậm chí là quay lưng với giá vàng.
Theo ông buôn lậu vàng cũng chỉ là hy hữu. Chênh lệch vàng cao như hiện tại cũng chỉ mang tính thời điểm. Có thời điểm trước đây chênh lệch giá còn cao hơn vì sao không có buôn lậu?
“Quan hệ thị trường và nhu cầu vàng không còn. Cái được nhất theo tôi chính là nền kinh tế đã thoát ly khỏi vàng”- ông bình luận và khuyến nghị, người dân không nên đổ tiền vào đầu cơ vàng, cũng như không nên vì yếu tố tâm lý thấy hiện tượng “bất thường” nào đó trên thị trường mà mất niềm tin vào chính sách.
“Trước đây tôi nghi ngờ về chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra để bình ổn thị trường này, nhưng tới giờ tôi đã tin và bằng chứng là thị trường đã không còn “sóng””- ĐB Lịch chia sẻ.