Lãi suất tiền gửi tiếp tục đi xuống. Ảnh: Lam Giang
Báo cáo thị trường tiền tệ tuần mới nhất của Công ty chứng khoán SSI cho thấy trong tháng 8-2020, lãi suất tiền gửi đã giảm thêm từ 0,2-0,4 điểm % ở các kỳ hạn ngắn và 0,2 điểm % ở các kỳ hạn dài.
Lũy kế 8 tháng, lãi suất tiền gửi đã giảm tổng cộng 0,5-2,1 điểm % ở tất cả kỳ hạn.
Hiện lãi suất tiền gửi bình quân phổ biến ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,2-6%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 5-6,7%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Theo SSI, tính đến ngày 26-8, tín dụng mới tăng trưởng 4,23% so với cuối năm 2019 trong khi tăng trưởng tiền gửi vẫn rất tốt dù lãi suất đã giảm sâu. Chênh lệch huy động - tín dụng nới rộng khiến tiền đồng đang dư thừa trong hệ thống ngân hàng nên lãi suất tiền gửi vẫn có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho thấy lãi suất huy động có xu hướng giảm trong tháng 8 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Lãi suất huy động tiếp tục giảm một phần đến từ việc huy động vốn tăng trưởng khả quan.
Tính riêng tại TP HCM, đến hết tháng 8, huy động vốn tăng 4,55% so với cuối năm ngoái và tăng 11,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP chỉ đạt khoảng 4%. Tín dụng tăng chậm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn, đầu tư bị giảm sút.
Những ngày qua, nhiều ngân hàng thương mại như Shinhan Việt Nam, Techcombank, Eximbank, Vietcombank… đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Hiện lãi suất kỳ hạn 1 tháng thấp nhất đã về dưới 3%/năm.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết khi đại dịch xảy ra rất nhiều doanh nghiệp, người dân chịu tác động và rất khó khăn về dòng tiền cũng như nguồn thu. Vì vậy Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt các giải pháp và là một trong số bộ ngành vào cuộc sớm nhất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Đối với các dư nợ cho vay cũ, Thống đốc kêu gọi các tổ chức tín dụng bằng chính nguồn lực của mình từ tiết kiệm chi phí, giảm lợi nhuận, kể cả hạn chế chia cổ tức để có nguồn lực tài chính giảm lãi suất các khoản vay cũ. Những khoản cho vay mới cũng có lãi suất thấp hơn…
Diễn biến gần đây cho thấy so sánh giữa tháng 7-2020 với cuối năm 2019, lãi suất huy động tiền gửi bình quân đã giảm 0,6 điểm %, cũng tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.