Sự so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và lãi suất của ngân hàng thương mại đã là một sự khập khiễng. Đối tượng đi vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) thường phải có tài sản đảm bảo hoặc phải chứng minh thu nhập. Còn khách hàng của các công ty cho vay tiêu dùng có thu nhập khá bấp bênh, không có tài sản đảm bảo hay có chỉ số xếp hạng tín dụng thấp dẫn đến rủi ro rất lớn đối với bên cho vay. Trong khi đó, về nguyên tắc, mức lãi suất luôn tỉ lệ thuận với mức độ rủi ro. Điều này giải thích cho việc tại sao các công ty tài chính thường cho vay với lãi suất cao.
Ngay cả NHTM khi họ cho vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng tức cho vay không có tài sản thế chấp thì khung lãi suất cũng khá cao 18%-38%/năm. Chủ thẻ tín dụng phải chứng minh khả năng tài chính theo tiêu chuẩn của các NHTM.
Trên thực tế, mức lãi suất cho vay tiêu dùng của Việt Nam so với thế giới đang nằm ở mức trung bình (20%-50%/năm). Trong khi đó, lãi suất cho vay tiêu dùng ở Ấn Độ khoảng 12%-48%/năm, tại Brazil 30%-70%, tại Mỹ khoảng 8%-36%/năm, Trung Quốc áp dụng từ 10%-40%/năm.
Với giá trị của khoản vay nhỏ lẻ, kỳ hạn vay ngắn (18-24 tháng) dẫn đến các chi phí thẩm định, chi phí đòi nợ, chi phí quản lý khoản vay, chi phí phục vụ cao hơn bình thường. Như vậy, với những chi phí cho một khoản vay tiêu dùng tín chấp có độ rủi ro cao, công ty tài chính áp dụng khung lãi suất như hiện nay là không khó hiểu.
Người vay tiêu dùng cần nắm rõ lãi suất phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả nợ đúng hạn và quá hạn
Đối với cho vay tiêu dùng tín chấp, lãi suất hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các công ty tài chính với khách hàng. Khi người vay đặt bút ký vào hợp đồng cho vay tức là đồng ý với mức lãi suất trong hợp đồng và phải thanh toán theo mức lãi suất đó.
Do các công ty tài chính hoạt động dưới sự quản lý và kiểm soát của pháp luật nên các mức lãi suất đều được công khai minh bạch và quy định rõ ràng. Hiện tại, lãi suất cho vay tiêu dùng dao động rất rộng tùy vào đối tượng khách hàng, tùy từng sản phẩm vay. Theo khảo sát, phần lớn khách hàng đang vay ở mức lãi suất trên 30%/năm, chỉ số ít đang phải chịu mức lãi suất cao hơn do hồ sơ cho vay quá yếu, khả năng trả nợ thấp và lịch sử trả nợ xấu.
Nghĩa vụ quan trọng nhất, đồng thời cũng là khó khăn nhất của người vay là việc trả nợ gốc và lãi. Vì vậy, người đi vay phải nắm rõ lãi suất sẽ phải trả là bao nhiêu, cả trong trường hợp trả đúng hạn và quá hạn. Đặc biệt, người vay phải tính tới khả năng trả nợ trước khi nhận định lãi suất đó là cao hay thấp.