Với nỗ lực phục hồi nền kinh tế, ngành ngân hàng đã nhanh chóng nhập cuộc cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nhìn sang các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng thì liệu lãi suất đã ở mức hợp lý?
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết từ năm 2016 đến nay, cơ quan này điều chỉnh giảm 2-2,5%/năm các mức lãi suất điều hành. Đồng thời, giảm 0,8-1,5%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Trong đó, chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh.
So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam là một trong các mức giảm mạnh nhất (Philippines giảm 1,75%; Thái Lan giảm 0,75%; Malaysia giảm 1,25%; Indonesia giảm 1%; Ấn Độ giảm 1,15% và Trung Quốc giảm 0,3%).
Hoạt động giảm lãi suất điều hành là cơ sở kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm. Hiện tại, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016.
Tại một báo cáo khác nhưng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như đã nói bên trên sẽ thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4.
Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%), lãi suất cho vay ngắn hạn của Việt Nam vẫn thấp hơn.
Đáng chú ý, số liệu của IMF mới chỉ thống kê đến tháng 7/2020. Và với tình hình đang có tại Việt Nam như dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, tăng trưởng tín dụng thấp, tiền dồi dào trong hệ thống thì mức lãi suất này sẽ còn thấp hơn nữa.
Thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tung chương trình cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay kinh doanh mới mức lãi suất dưới 6,5%/năm. Thậm chí, Vietcombank còn áp dụng mức lãi suất cho vay 5,9%/năm.
Mới đây, kết quả điều tra từ Vụ Dự báo Thống kê Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động-cho vay trong quý cuối năm được kỳ vọng tiếp tục giảm. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong 4/2020.