Đầu tư tài sản theo nguyên tắc chia trứng nhiều rổ, cuối năm ngoái bà Kiều (ngụ quận 2, TP HCM) phân bổ hơn 800 triệu đồng vào chứng khoán, vàng và gửi ngân hàng với lãi suất tiết kiệm trực tuyến 7,3% một năm, kỳ hạn 7 tháng. Đến lần điều chỉnh gần nhất cuối tháng 8, lãi suất cho khoản tiền gửi giảm còn 6,5%. "Trần lãi suất vừa hạ tiếp nên tôi đoán ngân hàng cũng sớm điều chỉnh trong vài ngày tới. Chờ một tháng nữa để tất toán, tôi sẽ chuyển toàn bộ lãi và gốc sang đầu tư chứng khoán và mua trái phiếu", bà Kiều dự tính.
Bà Kiều cho biết gần đây người quen một công ty chứng khoán chào bán trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 11%. Đơn vị phát hành là một công ty bất động sản có tiếng trên thị trường, nhưng vì chưa có kinh nghiệm với kênh trái phiếu nên bà chỉ dự tính dành khoảng 30% tiền gửi để rót vào đây. Phần còn lại nhà đầu tư này chuyển hết vào tài khoản chứng khoán.
"Tôi vừa chốt lời một cổ phiếu hơn 35% nên đang hưng phấn", bà Kiều nói. "Nếu một số cổ phiếu trong danh mục hiện tại trở lại vùng giá cuối năm ngoái thì tỷ suất sinh lời kênh này vẫn cao gấp đôi lãi suất ngân hàng".
Tuy nhiên, không phải mọi nhà đầu tư đều có quyết định như vậy. Thanh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định giữ nguyên sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng dù lãi suất giảm. Tùng bắt đầu gửi tiết kiệm tại quầy một ngân hàng thương mại vào tháng 1 năm nay, lãi suất 7,8%, kỳ hạn 7 tháng. Tuy nhiên, sau khi sổ đáo hạn vào tháng 7, phía ngân hàng báo lãi suất cho kỳ gửi tiền tiếp theo chỉ còn 6,6% trên năm. Con số này đã xem là "ưu ái", bởi nếu tiền gửi chỉ vài trăm triệu, lãi suất Tùng nhận được chỉ khoảng 6-6,2%.
Dù lãi giảm mạnh, nhưng anh vẫn quyết để tiền trong ngân hàng. "Tôi cũng nghĩ đến việc tìm phương án khác, nhưng các kênh còn lại như chứng khoán hay bất động sản đều cần có kinh nghiệm hoặc ít nhiều là kiến thức đầu tư. Với khoản tiền lớn như vậy, tôi không dám liều", Tùng nói.
Khách hàng giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Anh Tú.
Quan điểm khác biệt giữa những người gửi tiền tại ngân hàng xuất phát từ sự chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và các kênh đầu tư khác.
Theo quyết định mới từ Ngân hàng Nhà nước, từ 1/10, lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi VND có kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng giảm từ 4,25% xuống 4% một năm. Các khoản tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn dưới 1 tháng có lãi suất tối đa 0,2% một năm. Do tình trạng dư thừa thanh khoản, khó cho vay, các nhà băng cũng liên tục hạ lãi suất đầu vào để giảm chi phí vốn. Trong khi đó, các kênh đầu tư như trái phiếu hay chứng khoán đang trở nên hấp dẫn với tỷ suất sinh lời cao hơn hẳn.
Trong nửa đầu năm, các nhà đầu tư cá nhân mua 14.500 tỷ đồng, chiếm 20% lượng trái phiếu các doanh nghiệp bất động sản phát hành. Lãi suất bình quân trên 10%, hơn gấp rưỡi so với gửi tiết kiệm ngân hàng. Trên thị trường chứng khoán, đợt giảm sâu vào cuối tháng 3 tạo ra cơ hội lớn khiến số lượng nhà đầu tư F0 tăng đột biến. Tỷ suất sinh lời của kênh chứng khoán lên tới hàng chục phần trăm, thậm chí gấp vài lần.
Dù vậy, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Theo chia sẻ của lãnh đạo một số ngân hàng, dù lãi suất giảm, tiền gửi của người dân vẫn duy trì ổn định. Lý do là nhiều khách hàng chọn kênh tiết kiệm do tính chất ổn định và an toàn, trong khi các kênh đầu tư khác dù hấp dẫn nhưng có nhiều rủi ro. "Nhiều khách hàng tìm tới ngân hàng vì họ cần một chỗ giữ tiền, vì sự an toàn, hơn là một kênh đầu tư", lãnh đạo một nhà băng tại Hà Nội bình luận.
Trên báo cáo tài chính 6 tháng, nhiều nhà băng ghi nhận quy mô tiền gửi của khách hàng tăng cao hơn dư nợ cho vay, dù Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ trần lãi suất. Theo thống kê của SSI Research, tăng trưởng tín dụng bình quân của nhóm ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt 3,65% trong nửa đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động đạt 4,75%.
Tại Vietcombank, quy mô tiền gửi của khách hàng tại ngày 30/6 tăng 5,7% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 4,97% về dư nợ cho vay. Với VietinBank, quy mô tiền gửi khách hàng cũng tăng 2,4%, trong khi cho vay ra chỉ tăng 0,07%.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cho rằng lãi suất ngân hàng giảm, các kênh đầu tư như chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn giữ trạng thái quan sát. Các nhà đầu tư mua bất động sản hay chứng khoán trong thời điểm này thường là tầng lớp trung lưu cấp trên (nhóm xếp trên tầng lớp trung lưu) với số lượng ngày càng nhiều. Trong khi đó, phần còn lại hướng tới những phương án an toàn, ưu tiên bảo vệ tài sản.
"Đại dịch ảnh hưởng đến mọi thứ trong cuộc sống, thúc đẩy từng nhà đầu tư suy nghĩ xem quản trị tài chính của mình đã tốt hay chưa. Nhưng ưu tiên hàng đầu của nhà đầu tư cá nhân là sống sót qua đại dịch, sau đó mới quan tâm đến 'tiền đẻ ra tiền'", TS Ngô Minh Hải, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Văn Lang, bình luận tại một sự kiện cuối tháng 8.
Nhận định về đợt điều chỉnh lãi suất điều hành mới đây, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng tác động thực tế đến nền kinh tế của việc cắt giảm ngày càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng từ tháng 5 đến nay luôn tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục và các ngân hàng cũng không có nhiều nhu cầu vay vốn. Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam đánh giá việc hạ trần lãi suất chỉ mang tính định hướng bởi thanh khoản trong hệ thống vẫn dư thừa.