Tại làng Kompong Cham – cách thủ đô Phnom Penh (Campuchia) 60km, các nông dân đang giăng bẫy bắt chuột khắp nơi để xuất khẩu. Anh Chhoeun Chhim – 37 tuổi, một nông dân ở làng, cho biết chuột cống hay chuột nhà ở các khu đô thị thường rất bẩn, trong khi chuột đồng ở nông thôn chỉ ăn thân cây lúa, rau cỏ hoặc rễ cây. “Vì vậy chúng tôi chỉ bắt chuột đồng để làm thịt chứ không bắt những loài chuột khác” - anh Chhim nói với BBC.
Nếu như thuận lợi, một buổi tối anh Chhim có thể bắt được tới 25kg chuột. Dù biết thịt chuột có vị gần giống thịt lợn nhưng anh nói đó không phải là món ăn khoái khẩu của mình. Những người khác cũng vậy, họ bắt chuột để bán lại cho các thương lái và đổi lấy tiền mua cá.
Anh Chhoeun Chhim chuẩn bị đem chuột đi bán cho thương lái. Ảnh: BBC
Ở Campuchia, cao điểm của mùa đánh bẫy chuột là sau mùa gặt (khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm). Vào thời điểm này, nguồn thức ăn của chuột đồng trở nên cạn kiệt, cùng với mưa lớn khiến cho chuột phải rời ổ ra ngoài kiếm ăn và sập bẫy.
Anh Chheng An (22 tuổi), đang chuẩn bị xe máy để đi giao chuột cho những người mua tại biên giới với Việt Nam. “Thịt chuột ở Việt Nam đắt lắm, còn ở Campuchia lại rẻ mạt. Ở Việt Nam, thịt chuột có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng như nướng, chiên, nấu súp hoặc làm pa tê…” - An nói.
Vào mùa cao điểm, bà Saing Sambou (46 tuổi), thương lái người Campuchia, có thể xuất khẩu tới hơn 2 tấn thịt chuột sang Việt Nam chỉ trong một buổi sáng. Người phụ nữ này tiết lộ rằng trong suốt 15 năm qua, công việc kinh doanh của bà ngày càng tốt, thậm chí còn phát triển hơn trước gấp 10 lần. Ban đầu, thịt chuột chỉ có giá chưa tới 0,2 USD/kg, nhưng hiện giờ đã lên tới 2,5 USD/kg.
Cũng giống như nhiều người Campuchia khác, bà Sambou không ăn thịt chuột dù biết thịt chuột đồng rất sạch và an toàn cho con người. “Thịt chuột đồng thậm chí còn sạch hơn cả thịt gà và thịt vịt bởi chúng chỉ ăn rễ cây và lúa” - bà Sambou nói.
Ông Hean Vanhorn, một quan chức trong Bộ Nông Nghiệp Campuchia, cho rằng ngành kinh doanh chuột đồng góp phần bảo vệ mùa màng. “Việc săn bắt chuột giúp ngăn chặn sự phá hoại của loài gặm nhấm này đối với ruộng đồng” - ông Vanhorn nói với BBC.
Thuong Tuan (30 tuổi), một người Việt Nam mua bán chuột tại cửa khẩu ở huyện Koh Thom gần biên giới Việt Nam – Campuchia, cho biết khách hàng của mình đến từ các thị trấn lân cận, thậm chí có nhiều người từ rất xa tìm tới đây để mua thịt chuột. Họ thường yêu cầu những con chuột rất to để về chế biến món ăn.