Muốn bán ít vàng dành dụm được từ năm ngoái, chị Hương (Hoàn Kiếm – Hà Nội) tới ngân hàng S trên đường Trần Hưng Đạo giao dịch. Bày tỏ ý định muốn bán vàng, nhân viên này nói khách hàng chờ để hỏi lại kiểm soát viên xem ngân hàng có mua hay không. Sau một hồi chờ đợi chị được nhân viên trả lời ngân hàng (NH) có mua, nhưng chỉ mua lượng lớn, còn với giao dịch số lượng nhỏ, nhân viên này “mách” chị tới tiệm vàng bán sẽ nhanh và được giá hơn.
Nhân viên này cho hay, thường giá vàng trong hệ thống ngân hàng cao hơn nên khi người mua sẽ bị “thiệt” về giá, còn nếu bán cũng lại bị lỗ do giá thu mua cũng rẻ hơn ở ngoài.
Ngân hàng không còn mặn mà với vàng
Tình cảnh “đẩy” khách hàng ra giao dịch tại tiệm vàng cũng diễn ra tại nhiều chi nhánh ngân hàng khác. Trong vai khách hàng muốn bán vàng, PV Infonet tới chi nhánh một NH thương mại TM trên đường Ngô Quyền (Hà Nội). Dù băng rôn quảng cáo “địa chỉ được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng miếng” treo khá to ngay trước mặt tiền, nhưng theo quan sát quầy kinh doanh vàng tại đây khá thưa thớt. Vừa nghe khách hàng có ý muốn giao dịch vàng, nhân viên tại đây nhanh nhảu: “Bọn em cũng có nhận mua vàng nhưng theo em chị nên ra tiệm vàng bán sẽ được giá hơn”.
“Giá vàng trong ngân hàng chiều mua vào thấp, ở chiều bán ra lại cao hơn hơn tại các cửa hàng vàng nên khách hàng giao dịch lượng nhỏ nên bán ở ngoài sẽ tốt hơn”- nhân viên này nói thêm.
Theo tìm hiểu của Infonet, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấn chỉnh lại thị trường vàng và cấp phép cho một số ngân hàng mở thêm dịch vụ giao dịch vàng miếng (vàng SJC). Thế nhưng dù dịch vụ này mở ra khá lâu, nhưng lượng khách tới chủ yếu là giao dịch tiền mặt, còn nhân viên quầy kinh doanh vàng thường xuyên rơi vào trạng thái “ngồi chơi xơi nước”. Cảnh tượng này trái ngược với hình ảnh tấp nập, nhộn nhịp tại các cửa hàng vàng bạc có tiếng.
Điểm bất cập ở chỗ, khách hàng muốn mua số lượng ít để dành dụm “có đồng ra đồng vào” muốn mua tại NH thì không được đáp ứng. Nhân viên giao dịch tại quầy kinh doanh vàng của S cho hay, NH chỉ chấp nhận bán/mua vàng số lượng từ 1 lượng trở lên.
Còn tại DongABank, tuy nói nếu khách hàng muốn mua lượng vàng nhỏ đều có, nhưng còn “tùy thuộc vào két còn hay không mới bán được, mà thường lượng vàng nhỏ rất ít”.
Đây cũng có thể chính là lý do khiến khách hàng không mặn mà tới các ngân hàng giao dịch mua bán vàng miếng.
Ngoài ra, để tránh rủi ro các ngân hàng thường “soi” rất kỹ những miếng vàng thu mua lại. Dù là vàng khách mua tại chính ngân hàng rồi tới bán lại, nếu quá trình bảo quản không cẩn thận làm bong tróc 1 chút ít vỏ bọc cũng không được chấp nhận.
Thực tế, dù NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng huy động và bán vàng để đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, nhưng dường như bản thân người dân không mấy mặn mà và hoạt động mua bán kim loại quý này của các NH hiện giờ chỉ còn là hoạt động “bề nổi”.
Chuyện “đẩy” khách hàng ra ngoài giao dịch tại thị trường tự do, cho thấy các nhà băng đang dần khép hoạt động kinh doanh này sau khi đã tất toán xong trạng thái huy động và những cú “ngã” đau vì vàng.
Tổng giám đốc một NH thương mại có dịch vụ mua bán vàng miếng cho rằng, chuyện nhân viên NH tư vấn cho khách hàng nên tới tiệm vàng mua với nhu cầu ít là bình thường.
“Nói NH không mặn mà với vàng không hẳn đúng. Với những giao dịch nhỏ khách hàng tới mua tại tiệm vàng thủ tục nhanh chóng hơn. Và thường kho quỹ của NH nhập được ít loại mệnh giá nhỏ nên khi khách hỏi mua số lượng ít khó được đáp ứng ngay” – ông nói.
Còn chuyện các nhà băng đang hạn chế mua vào vàng miếng, ông cho rằng có thể là do chủ trương của từng NH đối với mặt hàng kim loại quý này. Thực tế, các NH đã đóng gần hết trạng thái huy động vàng đúng hạn theo quy định của NHNN. Những khách hàng còn lại hầu hết đều được thuyết phục chuyển sang gửi bằng tiền đồng. Giá vàng bấp bênh và rủi ro nên gửi bằng tiền đồng vẫn an toàn hơn.
“Hiện giờ NH không còn được triển khai dịch vụ huy động vàng, mà chỉ còn ký gửi vàng, trong khi doanh thu từ sản phẩm ký gửi khá thấp. Lúc này nếu còn hợp đồng gửi vàng trong NH, tốt nhất nên gửi sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn” – vị này nói thêm.
Theo TS. Alan Phan – chuyên gia đầu tư tài chính thì trong vòng 3 năm tới vàng vẫn là kênh đầu tư rủi ro và kém hấp dẫn hơn việc “đổ” tiền vào các kênh sinh tiên khác như trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu các công ty đa quốc gia.