Chưa thực sự trở thành một thương hiệu nổi tiếng, song với riêng anh, Giày xấu giá cao đã là một thành công - một shop giày nam có cái tên khá độc và lạ gây được sự chú ý của nhiều người.
Đam mê bán giày
Chủ nhân của “Giày xấu giá cao” là một chàng trai trẻ, mới 25 tuổi, quê ở Tiền Giang, khởi nghiệp chưa đến 3 năm nhưng có tới hơn 2 năm buôn bán ở... lề đường.
Ban đầu chỉ vài chục đôi trên con đường giày Lý Chính Thắng (quận 3, TP HCM), Đại Phát gầy dựng nên một shop giày khá bề thế như hiện nay, với doanh thu mỗi tháng trên dưới 300 triệu đồng.
Đại Phát cho biết đam mê kinh doanh của anh “đâm chồi” từ những khó khăn trong cuộc sống. Những ngày còn sinh viên, Phát ham chơi và nông nổi nhưng rồi sóng gió ập đến, mẹ mất, chị gái bệnh tật khiến gia đình anh đảo lộn. Phát phải tìm kiếm công việc làm thêm, từ phục vụ nhà hàng đến làm nhân viên của các shop 24 giờ, phụ người quen bán hàng…
Trải qua một thời gian, anh nảy ra ý định buôn bán, kinh doanh. Không có điều kiện thuê mặt bằng, Phát tranh thủ vừa làm giám sát công trình ở công ty xây dựng vừa bán giày ở lề đường vào ban đêm. Thời gian đầu, mưa nắng thất thường cùng với việc bị đô thị đuổi khiến anh mệt mỏi. Tuy nhiên, vì niềm đam mê kinh doanh Phát vẫn “bám lề đường” được hơn 2 năm. Sau đó anh vay của chị gái số tiền 20 triệu đồng để mướn mặt mở shop kinh doanh “tử tế”.
Giày không xấu, giá không cao
Có được mặt bằng nhưng để thu hút được khách hàng ở con đường nhộn nhịp như Lý Chính Thắng là điều không hề dễ. Thay vì tìm mọi cách để giới thiệu những điểm tốt nhất của mặt hàng mình đang bán ông chủ 9x muốn làm điều gì đó đi ngược với quy luật tự nhiên. Anh băn khoăn và suy nghĩ cuối cùng chọn ra tên shop là “Giày xấu giá cao”.
Ban đầu, bạn bè, người thân nhận xét tên shop do Phát đặt hết sức “dị hợm” nhưng chính cái phong cách không giống ai đã mang lại cho anh thành công đáng kể. Nó kích thích sự tò mò, giúp cho tiệm giày của anh thu hút được khá nhiều khách.
Khách hàng đến với Giày xấu giá cao chủ yếu vì tò mò nhưng nhanh chóng bị thuyết phục bởi thực tế những đôi giày nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá bán rẻ hơn so với thị trường, lại được tư vấn rất kỹ càng về kiểu dáng, kích thước phù hợp với từng người.
Các sản phẩm của Giầy xấu giá cao sở dĩ có giá mềm hơn thị trường là vì Phát chủ yếu nhập hàng từ các công ty giày xuất khẩu. “Những lô hàng này thường chỉ có một size duy nhất, hoặc bị lỗi chút ít, hay không có màu đen tuyền như các lô hàng khác…, nên không xuất khẩu được. Mình nhập về bán lại với giá mềm hơn rất nhiều so với giá gốc nên cũng nhiều khách lui tới” - anh Phát chia sẻ.
Hơn 7 tháng kinh doanh ở cửa hàng mới, Đại Phát thấy hài lòng vì khách hàng đến shop luôn vui vẻ và tỏ thái độ ngạc nhiên, bất ngờ vì sự khác biệt hoàn toàn giữa những gì được phơi bày bên ngoài so với thực tế bên trong. Anh hay hỏi đùa khách hàng của mình rằng: “Giày không xấu như anh nghĩ phải không?”
Hiện tại, ngoài việc bán lẻ trực tiếp và bán hàng online, shop “Giày xấu giá cao” còn cung cấp giày cho các tiểu thương khác. Doanh số bán mỗi tháng đạt khoảng 300 triệu đồng.
Phát cho biết anh luôn suy nghĩ làm thế nào để lấy được niềm tin của khách hàng và mở rộng thương hiệu của mình đến với nhiều người. Ngoài nhập hàng từ các công ty, các cơ sở sản xuất có tiếng, Phát còn tự thiết kế một số mẫu mã riêng, sáng tạo theo xu hướng của những người trẻ, đặt hàng cho các xưởng đóng giày thực hiện. Anh đặt ra mục tiêu trước năm 30 tuổi sẽ mở một cơ sở sản xuất giày để khẳng định thương hiệu riêng của mình. “Ngoài việc đeo đuổi sở thích, đam mê kinh doanh mình cần tạo ra được cái gì đó mang dấu ấn riêng mới có thể thành công được” - Phát chia sẻ.
Ngoài kinh doanh mặt hàng giày nam, Đại Phát đang mở rộng thêm một số mặt hàng khác như giày nữ, ba lô, túi xách và các phụ kiện thể thao đi kèm. Anh quan niệm, thà xây dựng thương hiệu mạnh ở một địa điểm hơn là mở rộng chi nhánh sẽ gặp nhiều rủi ro.