Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành.
Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.
Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước giảm cả lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp các tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, đồng thời, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng.
Trên phương diện chi phí vốn, có thể nhận thấy, các ngân hàng có khoản vay từ Ngân hàng Nhà nước nhiều nhất sẽ là những thành viên được hưởng lợi lớn nhất từ quyết định này.
Theo khảo sát của BizLIVE, tính đến thời điểm kết thúc quý II/2019, nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang là những ngân hàng có nợ Ngân hàng Nhà nước cao nhất hệ thống.
Trong đó, BIDV đứng đầu nhóm khảo sát với số dư lên tới hơn 10.000 tỉ đồng. Vietcombank đứng thứ hai với 5.000 tỉ đồng và VietinBank xếp thứ ba với hơn 3.000 tỉ đồng nợ Ngân hàng Nhà nước.
Theo sau đó là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm HDBank (gần 2.200 tỉ đồng), TPBank (1.000 tỉ đồng), Techcombank (hơn 1.000 tỉ đồng)…
Ngoài ra, những ngân hàng trong diện tái cơ cấu cũng là những thành viên được hưởng lợi từ quyết định này. Mặc dù không công bố các thông tin tài chính, nhưng vay nợ từ Ngân hàng Nhà nước của các thành viên này có thể rất đáng kể.
Các ngân hàng thương mại vay Ngân hàng Nhà nước qua các kênh cầm cố trên thị trường mở (OMO), tái cấp vốn, tái chiết khấu. Lãi suất cả ba nguồn này đều giảm 0,25 điểm phần trăm nói trên.
Theo quy mô BizLIVE khảo sát tại 22 ngân hàng thương mại công bố cụ thể báo cáo tài chính quý II/2019, tổng nguồn vốn họ vay Ngân hàng Nhà nước chỉ quanh 25.000 tỉ đồng. Quy mô này nhiều khả năng lớn hơn nếu có phần công bố cụ thể từ "ông lớn" Agribank và 3 trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc những năm trước.
Tuy nhiên, những con số đưa ra ở trên chỉ có tính tham khảo, do mang tính chất thời điểm chốt quý trên sổ sách với ẩn số nguồn đáo hạn cũng như quy mô thực vay trong kỳ... Tuy nhiên, nhìn vào dòng chảy của thị trường có thể thấy, mức giảm 0,25 điểm phần trăm các loại lãi suất điều hành có giá trị tác động trực tiếp đến chi phí vốn của các nhà băng, đặc biệt là khi hệ thống bước vào mùa cao điểm.
Như vào quý IV hàng năm, khi nhu cầu vốn của hệ thống lên cao, lượng vốn vay phát sinh chỉ tính riêng qua kênh OMO cũng đã khá lớn với sự tham gia thường trực của nhiều thành viên.
Cao điểm, số dư vay ở kênh OMO quãng cuối năm đến sau Tết Nguyên đán những năm qua đều ghi nhận quy mô lớn, từ 150.000 - 170.000 tỉ đồng; như ghi nhận cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2019 lên tới 154.637 tỉ đồng. Với lãi suất được giảm thêm 0,25%/năm, chi phí giảm bớt ở đây là đáng kể.
Trên bình diện mặt bằng lãi suất, ngay sau khi quyết định giảm lãi suất điều hành được công bố, thị trường ngay lập tức chứng kiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh với lãi suất qua đêm giảm mạnh tới 20 điểm phần trăm, xuống còn 2,78%.
Đà giảm vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hiện tại khi kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống còn 2,54%, 1 tuần là 2,68%; 2 tuần là 2,94% và 1 tháng là 3,36%/năm.
Về lý thuyết, giá vốn rẻ hơn trên thị trường liên ngân hàng sẽ tạo cơ sở quan trọng để các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Tuy nhiên, do vốn liên ngân hàng chỉ đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn, không dùng để cấp tín dụng và bị hạn chế bởi tỷ lệ 20% so với vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư nên sẽ cần một khoảng thời gian đủ dài để dòng vốn giá rẻ có thể thẩm thấu từ thị trường 2 xuống thị trường 1.
Dù tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến lãi suất cho vay được đánh giá là còn hạn chế và có độ trễ, nhưng điều này cũng cho thấy nỗ lực và chủ động của nhà điều hành trong hỗ trợ giảm thiểu trực tiếp chi phí vốn cho hệ thống, qua đó góp phần cùng các điều kiện khác để bình ổn và hướng tới kỳ vọng giảm lãi suất cho vay.