Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong trạng thái ít biến động, giá vàng miếng trong nước cũng gần như đi ngang.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nguy cơ xuất hiện tình trạng tăng trưởng trì trệ kết hợp lạm phát cao (stagflation) và một cuộc khủng hoảng năng lượng đang hình thành có thể trở thành những nhân tố đưa giá vàng “bùng nổ” trong những phiên giao dịch tới đây.
Gần đây, lực mua vàng tăng mạnh mỗi khi giá giảm dưới mốc 1.750 USD/oz. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy giá vàng được hỗ trợ mạnh ở vùng giá này và có cơ hội bứt phá khi nhận được lực hỗ trợ - theo nhận định của các chuyên gia với trang Kitco News.
Tuần trước, sau khi giảm về vùng 1.720 USD/oz vào giữa tuần, giá vàng gây bất ngờ khi đảo chiều ngoạn mục và tăng lên mức 1.760 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Vào đầu tuần, giá kim loại quý này chịu áp lực giảm khi thị trường chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố cắt giảm chương trình mua tài sản vào tháng 11. Kỳ vọng này của thị trường đẩy lợi suất tái phiếu kho bạc Mỹ tăng và tỷ giá đồng USD lên cao, khiến giá vàng rớt mạnh.
“Nhân tố chủ yếu chi phối giá vàng thời gian này là việc thị trường phản ánh việc Fed chuẩn bị rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo. Cả việc cắt giảm chương trình mua tài sản và việc Fed tiến tới nâng lãi suất đều đang được phản ánh vào giá các tài sản”, chiến lược gia Daniel Ghali của Kitco News nhận định. “Do đó, chúng ta chứng kiến biến động mạnh trên thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ, và điều này gây áp lực giảm lên giá vàng”.
Tuy nhiên, việc giá vàng khởi sắc mạnh mẽ vào cuối tuần trước cho thấy cơ hội tăng của giá vàng còn chưa khép lại. Mối lo mới về tình trạng tăng trưởng giảm tốc kết hợp lạm phát leo thang, cùng một triển vọng kỹ thuật mới, tạo ra một sự hứa hẹn cho kim loại quý này.
“’Stagflation’ là một chủ đề đang ngày càng chiếm sự quan tâm của thị trường nói chung”, ông Ghali nói. “Việc giá vàng có thể hồi phục dù đã giảm sâu khỏi ngưỡng 1.750 USD/oz đã thay đổi triển vọng kỹ thuật. Từ góc nhìn này, chúng ta có thể tin rằng giá vàng còn tăng cao hơn. 1.750 USD/oz giờ là ngưỡng hỗ trợ và 1.800 USD/oz là ngưỡng kháng cự”.
Theo Giám đốc giao dịch Sean Lusk của Walsh Trading, giá vàng đã có một tuần đầy biến động với khuynh hướng nghiêng về tăng giá.
“Đồng USD đang giảm giá trở lại, và lợi suất trái phiếu cũng đi xuống. Nỗi lo lạm phát sẽ lại nổi lên. Đang có nhiều vấn đề về chuỗi cung ứng chưa được giải quyết”, ông Lusk nói với Kitco News. “Khi bước sang quý 4 của năm nay, chúng ta sẽ có thêm một loạt dữ liệu kinh tế và có một mùa báo cáo kết quả kinh doanh”.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng có thể thiếu sức hút của một kênh đầu tư an toàn, nhưng việc giá năng lượng leo thang có thể đưa vàng trở lại địa vị của một “vịnh tránh bão” được ưa chuộng. “Theo thời gian, nếu thị trường năng lượng tiếp tục đi lên, giá vàng sẽ tăng theo cùng”, ông Lusk nói.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading View.
Từ góc nhìn kỹ thuật, 1.730 USD/oz vẫn là một mốc hấp dẫn để mua vào, theo ông Lusk. “Mọi người có nhận thấy vùng giá mà nhu cầu mua vào gia tăng và lực bán giảm bớt. Đó là một vùng biên độ 40 USD/oz, kéo dài từ 1.690 USD/oz đến 1.730 USD/oz. Nếu giảm dưới 1.690 USD/oz, thị trường vàng sẽ đối mặt một cuộc bán tháo khiến giá giảm thêm 5%”, ông Lusk nhận định.
Ở vùng kháng cự, giá vàng có thể tìm cách tăng lên ngưỡng 1.830 USD/oz. “Tôi đang theo dõi đồng USD và thị trường chứng khoán để xác định phương hướng của giá vàng. Giá vàng cần thoát khỏi xu hướng giảm, chiếm mốc 1.835 USD/oz và giữ trên mốc này. Điều gì có thể dẫn tới mức giá này? Đó là khi giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng và có thêm những bấp bênh về đại dịch Covid-19”, ông Lusk nói thêm.
Tuần này, dữ liệu kinh tế quan trọng nhất được công bố sẽ là báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 9. Dự báo của thị trường là khu vực phi nông nghiệp nền kinh tế có thêm 460.000 công việc mới trong tháng 9 và tỷ lệ thất nghiệp là 5,1%.
“Trong phiên điều trần trước Quốc hội tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng tất cả các điều kiện ‘đã được đáp ứng’ để bắt đầu cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, và báo cáo việc làm tuần tới sẽ giữ vai trò quyết định… Với số ca nhiễm mới Covid-19 đang giảm mạnh, chúng tôi kỳ vọng số lượng việc làm mới trong tháng 9 sẽ đạt khoảng 450.000-500.000 công việc”, chuyên gia kinh tế trưởng của ING, ông James Knightley, nhận định. “Một tuyên bố cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng trong cuộc họp của Fed vào ngày 3/11 nằm trong kịch bản cơ bản của chúng tôi”.
Giá vàng trong nước sáng nay (4/10) không có nhiều biến động.
Giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Phú Quý là 57,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,65 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 50,55 triệu đồng/lượng và 51,35 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 56,7 triệu đồng/lượng và 57,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á cùng thời điểm trên đứng ở 1.759,1 USD/oz, giảm 2,9 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại New York. Mức giá này tương đương hơn 48,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng 9 triệu đồng/lượng.