Đã 3 tháng trôi qua kể từ khi người đứng đầu tập đoàn điện tử Hàn Quốc Samsung, ông Lee Kun Hee (72 tuổi), nhập viện vì cơn đau tim, sự vắng mặt của ông khiến gia đình này có nguy cơ mất kiểm soát đối với đế chế rộng lớn do ông gây dựng, kinh doanh từ điện thoại thông minh cho tới bảo hiểm nhân thọ, đóng tàu...
Lee Kun Hee kế thừa quyền điều hành Samsung từ năm 27 tuổi. Giờ đây, con trai cả của ông là Lee Jae Yong (46 tuổi) sẽ gặp không ít khó khăn khi duy trì sự ảnh hưởng của Samsung lên thị trường toàn cầu cũng như kiểm soát toàn bộ các mảng kinh doanh của tập đoàn. Yong đã làm việc dưới cái bóng của cha mình từ năm 1991.
Gia tộc họ Lee thống trị một "gã khổng lồ" với 74 công ty con, hoạt động đa ngành nghề dù chỉ nắm chưa đầy 2% tổng cổ phần. Dưới sự dẫn dắt của Lee Kun Hee, Samsung từ một doanh nghiệp nội địa đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, lần lượt vượt mặt những "đại gia" ngành công nghệ như Sony (Nhật Bản), Nokia (Phần Lan) và mới đây là Apple (Mỹ) trong mảng kinh doanh điện thoại.
"Samsung có ngày hôm nay là nhờ chủ tịch Lee có thể giữ quyền kiểm soát tránh xa khỏi tác động bên ngoài. Một khi công thức sở hữu chéo bị phá vỡ, nhà họ Lee sẽ bị suy yếu và trở nên mong manh hơn trước các yếu tố ngoại cảnh", giáo sư Kim Houng Yu tại Đại học quản lý Kyung Hee (Seoul, Hàn Quốc) nhận định.
Một trong những ví dụ, theo chuyên gia phân tích Claire Kim của công ty chứng khoán Daishin là khi các cổ đông có quyền gây áp lực lên Samsung nhằm tăng cổ tức một khi lượng tiền mặt của hãng vượt quá con số 58 tỷ USD hiện nay. Họ cũng có thể tác động để thay đổi chiến lược hay cắt giảm quỹ chi tiêu khi tăng trưởng chậm lại.
Giá cổ phiếu của Samsung đã mất 15% so với đỉnh 1.546 USD lập năm ngoái. Từ đầu năm nay, cổ phiếu hãng rớt giá 1,8%. Kim Sang Jo, giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Hansung (Seoul) nhận định nếu giá tiếp tục hạ vì lợi nhuận của tập đoàn tăng trưởng chậm, quyền lực của Lee Jae Yong có thể bị đe dọa. "Giờ vẫn chưa biết tương lai mảng di động của Samsung sẽ ra sao" - ông nói thêm.
Ông Lee Kun Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 11,4 tỉ USD (theo bảng chỉ số tỉ phú của Bloomberg). Sự thành công của ông càng gây nhiều áp lực cho người kế vị sau khi ông lên cơn đau tim.
Theo luật Hàn Quốc, người thừa kế sẽ phải trả thuế tới 50% gia tài, khiến Lee Jae Yong và những người có tên trong di chúc (trường hợp ông Lee qua đời) có thể mất ngay gần 6 tỉ USD. Có một cách để né là bỏ tiền vào một quỹ nào đó, nhưng điều này có thể khiến gia đình quyền lực này mất bớt phần kiểm soát khối tài sản trên.