Tại hội thảo quốc tế về mía đường do Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức mới đây, Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, cố vấn cao cấp TTC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mía Đường Tây Ninh, cho biết giá thành bình quân của mía đường Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 50 USD/tấn, cao gần như nhất thế giới.
Trong khi đó, tại Brazil, giá mía đường chỉ khoảng 12 USD/tấn, Úc là 18 USD/tấn và các nước Asean như: Lào, Thái Lan, Campuchia khoảng 30 USD/tấn.
Các chuyên gia tại hội nghị cho rằng suốt 40 năm qua ngành mía đường của Việt Nam chưa được chú trọng. Giống mía nhập tự do ở nước ngoài, không kiểm soát để lây lan nhiều bệnh, nên sản lượng không cao mà chi phí sản xuất lại ngất ngưỡng. Chưa kể, việc bón phân, tưới nước, làm đất của nông dân cũng chưa hợp lý, làm gia tăng chi phí mà chất lượng mía, chữ lượng đường không cao. Để có một giống mía thuần Việt Nam phải mất đến 10 năm.
Hiện TTC đang nghiên cứu các giống mía cũng như kết hợp chuyển giao khoa học, công nghệ để giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí, góp phần làm hạ giá thành cho ngành đường của Việt Nam.
Theo lộ trình, năm 2015, Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Asean (AFTA) thực thi, sẽ không còn bảo hộ thuế, đường Thái Lan, Campuchia, Lào sẽ tràn vào Việt Nam với giá rẻ, ngành mía đường trong nước sẽ gặp khó khăn. Vì thế cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần phải cùng tập trung thực hiện các biện pháp để không bị thua ngay trên sân nhà.
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục Trưởng Cục Chế biến Nguồn lợi Thủy sản và Nghề muối, cho biết ngành mía đường và nông sản nói chung đang gặp khó khăn lớn từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Hiện tại Chính phủ đã chấp nhận cho việc soạn thảo luật về ngành đường, dự kiến thông qua trong năm 2014. Bên cạnh đó sẽ có nghị định đi kèm quy định nhiều vấn đề liên quan từ sản xuất, chế biến, đến đóng gói và quản lí tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu như thế nào.