Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn
Câu chuyện mắc ca hiện đang được nói đến rất nhiều, nhưng phần nhiều lại là nông dân trồng tự phát. Bên cạnh quan ngại về đầu vào (cây giống) khi nhiều nông dân trồng mắc ca 6 – 7 năm mà không cho quả, liệu còn quan ngại về đầu ra khi nhìn vào quả dưa hấu gần đây với tình trạng nhiều nông dân phải đổ cho bò ăn?
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn: Với cây mắc ca, chúng tôi đã có nghiên cứu từ cách đây hơn 10 năm. Chúng tôi đã có những bước quản lý rất đúng quy định của pháp luật, có những khuyến cáo rất rộng rãi. Tất nhiên, khi có những cây, hoặc con mới, thì sẽ có rất nhiều những ý kiến, quan điểm khác nhau.
Nhưng vấn đề của chúng ta, tôi muốn nói là việc khảo nghiệm, thử nghiệm, để tránh việc nay trồng mai chặt, là nhiệm vụ của Nhà nước. Chúng ta không thể phát triển khi chưa có cơ sở hoàn toàn chắc chắn, mà đưa ra những khuyến cáo để có thể gây thiệt hại cho người nông dân.
Tôi muốn nói là: Những việc làm thí điểm là của Nhà nước. Những việc chịu rủi ro chúng ta không lường được, thì chúng ta không nên, và đừng bao giờ, dùng người nông dân để khảo nghiệm cho chúng ta khi mà chúng ta chưa chắc chắn.
Câu chuyện dưa hấu phải đổ cho bò ăn thì sao, thưa ông?
Đúng là dưa hấu hiện đang có vướng mắc về tiêu thụ. Vướng mắc ấy có 2 chuyện.
Một là, thị trường đầu ra của chúng ta có những thay đổi mà chúng ta thực sự chưa nắm hết tình hình đó. Tất nhiên, thay đổi thị trường ấy có những chuyện rủi ro chúng ta phải chấp nhận.
Hai là, chúng ta đã để nông dân sản xuất nhiều hơn tiêu dùng trong nước. Và, cân đối rủi ro chúng ta chưa lường hết.
Chúng tôi muốn chia sẻ với bà con nông dân. Chúng tôi cũng có đánh giá và coi đây là một phần trong hướng dẫn, định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhưng cũng phải nói đây là bài học không chỉ trong việc điều hành sản xuất dưa hấu, mà là bài học cho ngay cây mắc ca.
Ảnh minh họa
Với những cây công nghiệp dài ngày, chúng ta phải làm nghiêm túc, khoa học, và thực sự phải có dự báo rất chắc chắn về thị trường. Nếu chưa có dự báo về thị trường mà chỉ căn cứ vào điều kiện sinh học, điều kiện lập địa để đưa ra những khuyến cáo thì rất dễ dẫn đến tình trạng nay trồng mai chặt, hoặc dẫn đến tình trạng dư thừa.
Như ông đã nói, số lượng doanh nghiệp trong nông nghiệp hiện ở mức rất ít, chỉ có hơn 3.500 doanh nghiệp, chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Bộ có biện pháp gì làm tăng tỷ lệ doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này?
Hiện nay chúng ta mới có trên 3.500 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi cũng thấy ngoài một số Tập đoàn, Tổng công ty của Nhà nước, và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hầu hết doanh nghiệp trong nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Mong muốn của chúng ta là nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong tái cơ cấu phải tạo ra liên kết chuỗi. Hơn ai hết, đó chính là vai trò của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở đây không chỉ là doanh nghiệp trong nước, mà phải kêu gọi và khuyến khích cả doanh nghiệp nước ngoài vào cùng, chơi sân chơi chung với các doanh nghiệp của chúng ta để phát triển nông nghiệp.
Chúng ta có chính sách cụ thể gì nhằm tăng trưởng doanh nghiệp trong lĩnh vực này?
Có thể nói trong 4 - 5 năm qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí Chính phủ đã có Nghị định 210 về những chính sách ưu đãi cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, và một loạt những chính sách về thuế, về đất đai, về điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng thời, chúng ta đang thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả của các công ty nông - lâm nghiệp.
Chúng ta có một cửa rất rộng cho các doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay để tái cơ cấu lại. Đó là thành lập các doanh nghiệp 2 thành viên trở lên, hoặc những doanh nghiệp sẽ cổ phần hóa, các doanh nghiệp khác có thể mua, tham gia vốn vào các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay của chúng ta.
Đồng thời, chúng ta tiếp tục giải quyết những thủ tục hành chính, tạo ra môi trường bình đẳng, cơ chế thông thoáng để những doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi theo mô hình có chế biến, gắn với đảm bảo thị trường, đưa khoa học công nghệ, quy trình sản xuất hướng dẫn bà con nông dân. Người nông dân sẽ là người chủ yếu sản xuất ra sản phẩm nông sản để cung ứng chuỗi đó, sẽ nâng cao được giá trị.
Tôi nghĩ, cơ chế chúng ta sẽ hoạch định để các doanh nghiệp làm sao họ phải có lợi nhuận, và có lợi nhuận càng nhiều thì mới có điều kiện chia sẻ được cho nông dân và chỉ có lợi nhuận, họ mới đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng nhiều chính sách đưa ra không đến được với doanh nghiệp...
Tôi muốn nói rằng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong 2 - 3 năm qua đưa ra nhiều chính sách bằng Nghị định, hoặc Quyết định. Bất kỳ chính sách nào đưa ra cũng có độ trễ. Nhưng các chính sách đến bây giờ đã có những tín hiệu rất đáng mừng.
Rất nhiều Tập đoàn lớn của Việt Nam như VinGroup, TH True Milk, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát... đã đầu tư rất mạnh và thường xuyên làm việc với chúng tôi để mong muốn có những dự án đầu tư vào nông nghiệp.
Rồi, rất nhiều tập đoàn lớn của quốc tế đã đầu tư vào chúng ta và đang mong muốn mở rộng, như Nestle về cafe, rồi Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản về lĩnh vực trồng, chế biến gỗ và lâm sản..., và rất nhiều doanh nghiệp khác. Bây giờ, các doanh nghiệp đã bắt đầu thực sự quan tâm vào đầu tư trong nông nghiệp.
Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn sẽ giúp sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam tăng lên?
Chắc chắn là như vậy. Nói đến cạnh tranh, ai là người cạnh tranh trong hội nhập quốc tế hiện nay? Đó chính là doanh nghiệp.
Từng hộ nông dân không thể làm thị trường quốc tế được. Nhà nước cũng không thể đi bao cấp, chỉ dẫn người nông dân làm thị trường quốc tế được, mà chính là các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu, có vốn đầu tư lớn. Chính họ sẽ tạo ra chuỗi để có sự liên kết...
Xin cảm ơn ông!