Với nhiều năm “sống chung” với cây mắc ca, ông sẵn sàng chia sẻ giống, kinh nghiệm cho những người muốn bỏ vốn vào cây này. “Giống là yếu tố quyết định nhưng không phải là tất cả. Quan trọng là người trồng phải chịu khó mày mò, tìm hiểu và phải hiểu được bản tính của loài cây này” - ông Nguyễn Đức Ba say sưa nói với chúng tôi về bí quyết trồng cây mắc ca.
Thu về gần 1 tỉ đồng/năm
Là một trong những người đầu tiên trồng thử nghiệm cây mắc ca ở Lâm Đồng, qua 10 năm vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, ông Nguyễn Đức Ba đang sở hữu một vườn mắc ca hơn 7 sào cho trái quanh năm, thu nhập về gần 1 tỉ đồng/năm.
Câu chuyện bắt đầu tư năm 2004, ông “mắc ca” được người thân từ Mỹ về biếu một số hạt mắc ca để trồng thử. Ông mạnh dạn ươm giống để trồng thử nghiệm mắc ca trên một khoảnh đất nhỏ của gia đình. Sau một thời gian, ông Ba nhận thấy cây mắc ca sinh trưởng tốt nên ông chặt vườn cà phê đã già cỗi để trồng 100 cây mắc ca. Sau 4 năm tự mày mò kỹ thuật chăm sóc, vườn mắc ca của ông Ba đơm hoa, đậu trái rất nhiều.
Thừa thắng xông lên, ông Ba tiếp tục nhân giống trồng mắc ca trên toàn bộ 7 sào đất của gia đình. Đến nay, sau gần 10 năm chọn lọc giống, chăm sóc, vườn mắc ca của ông Ba hết sức tươi tốt, cây nào cũng trĩu quả khiến nhiều người phải trầm trồ khen ngợi. Năm 2014, ông Ba thu hoạch hơn 4 tấn trái khô. Với giá bán trung bình khoảng 250.000 đồng/kg, còn loại trái to nhất có giá lên tới 500.000 đồng/kg, gia đình ông đã thu về gần 1 tỉ đồng.
Khảo sát vườn mắc ca, chúng tôi nhìn thấy một cây có quả to hơn quả trứng gà, trong khi đó nhiều cây khác trái chỉ to bằng ngón tay cái người lớn, quả nào to nhất cũng chỉ tương đương quả bóng bàn. Nói về những trái mắc ca to bất thường, ông Ba cho biết cây mắc ca này là kết quả sau nhiều năm ông tiến hành chọn lọc giống, chăm sóc kỹ càng.
Việc cây mắc ca của gia đình ông Ba cho ra những trái to khiến các nhà khoa học về nông nghiệp đến tìm hiểu và nghiên cứu. Nhiều người khi nhìn thấy đã khẳng định đây là những trái mắc ca to nhất Việt Nam và có thể hơn thế nữa. Một số chuyên gia am hiểu về cây mắc ca đề nghị ông Ba giữ lại những trái lớn để họ nghiên cứu phát triển nguồn giống có chất lượng, phục vụ sản xuất.
Không giấu nghề
Theo giới chuyên môn, cây mắc ca (Macadamia) là loại cây thân gỗ, xuất xứ từ nước Úc. Tại Việt Nam, cây mắc ca được đưa về trồng khảo nghiệm tại từ những năm 2000. Loại cây này cho hạt có tuổi thọ lên đến trên 60 năm. Hạt mắc ca có giá trị dinh dưỡng cao, có thể ăn tươi hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm như bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm.
Chỉ tay lên những trái mắc ca nặng trĩu trên cây, ông Ba bùi ngùi nói: “Trồng cây này gian truân lắm! Tuy là loại cây rừng nhưng không phải trồng là có quả. Điều quan trọng là phải nhân được giống mắc ca chất lượng cao, quy trình chăm sóc chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân là chính”.
Theo ông Ba, để có một cây giống đạt chất lượng cần phải chọn những hạt mắc ca to trên một cây mẹ tốt nhất. Khi hạt nảy mầm và thành cây con thì dưới gốc cây giống vẫn còn vỏ của hạt mắc ca. Nhìn vào mảnh vỏ đó ta có thể biết hạt giống chất lượng thế nào. Nếu người dân mua phải giống mắc ca của Trung Quốc thì thường là hạt giống nhỏ và sau khi trồng, cây sẽ chết dần và hoặc có sống chăng nữa cũng sẽ không cho trái.
Ông Ba cho biết đã tiến hành nhân giống đại trà và hiện không đủ để cung cấp cho thị trường bởi sau khi gieo hạt và phải mất đến 6 tháng chăm sóc thì mới xuất cây giống đi được. “Với kinh nghiệm nhiều năm “ăn ở” với cây mắc ca, tôi sẵn sàng chia sẻ cây giống, kinh nghiệm của mình cho những ai muốn đầu tư vào loại cây này” - ông Ba nói.