"Kế tiếp là gì đây?"
Tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ ra sao khi không còn điều hành Phở 24 nữa. Khác biệt đầu tiên là số lượng email đột ngột giảm từ 50 xuống dưới 10 cái khi mở máy vào mỗi sáng. Ngày đầu tiên, tôi cứ tưởng là hộp thư của mình bị trục trặc, sau đó là cảm giác nhẹ nhõm vì không có nhiều việc phải xử lý nữa. Lịch họp và lịch hẹn ghi trên điện thoại thì lần đầu tiên gần như trắng toát, chỉ còn vài tin nhắn nhẹ nhàng sót lại.
Khác biệt kế tiếp là lúc tôi thức giấc vào mỗi buổi sáng, đồng hồ sinh học vẫn chưa chịu điều chỉnh lại, cứ đúng 6 giờ là tôi mở mắt và bắt đầu suy nghĩ. Nhưng thay vì giải quyết công việc, tôi nghĩ miên man xem mình nên làm gì sau Phở 24.
Tôi đã chuẩn bị tư tưởng từ trước, nhưng khi nó đến thì vẫn thấy bất ngờ. Bởi vậy nhiều người mới chùn bước trước quyết định bán công ty, nhất là công ty đã có chút tiếng tăm do chính mình tạo dựng từ đầu. Những người chủ này đã gắn bó với công ty cả một thời gian dài và quá quen với ánh hào quang và sự tiện nghi mà nó mang lại. Nó là cuộc sống của họ. Do đó khi rời bỏ nó, tuy có đầy đủ tiền bạc và thời gian, nhưng họ không biết sẽ bắt đầu từ đâu. Người ta gọi đó là triệu chứng sợ hãi không biết mình sẽ làm gì kế tiếp.
Doanh nhân Lý Quý Trung cho biết anh sẽ giảng dạy đại học tại Úc một thời gian rồi mới trở về Việt Nam.
Kế hoạch của tôi là không làm gì trong vòng hai năm, để tận hưởng sự thư thả của cuộc sống mà tôi chưa từng có được. Nhưng thực tế lại không phải vậy, vì tôi tiếp tục suy nghĩ, hay ngồi bật dậy mỗi khi nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh mới. Và một giọng nói cứ thì thầm trong tai, nhắc đi nhắc lại câu hỏi “Kế tiếp là cái gì đây?”.
Tôi bị mắc kẹt giữa kế hoạch mình đã định ra và sự thôi thúc thì thầm này. Trong thời buổi kinh tế quá khó khăn như hiện nay thì không làm gì coi như đã tiết kiệm được tiền, vì càng làm càng rủi ro, nguy hiểm. Biết thế, nhưng tôi vẫn có cảm giác tay chân bị bó buộc vì không thể bắt đầu ngay được một dự án kinh doanh nào đó.
Nhưng tôi phải thú thực là mình cảm thấy sung sướng như thế nào khi mở mắt dậy mà không phải nghĩ đến những cuộc họp căng thẳng sắp tới hay những thứ nhức đầu liên quan đến công việc hàng ngày.
Còn một thứ xa xỉ khác mà bao nhiêu năm qua tôi không có được, là thời gian dành cho gia đình, vợ con.
Những câu nói ấn tượng của Lý Quý Trung:
- Ước mơ chẳng qua cũng chỉ là mục tiêu lớn nhất trong một thời điểm nhất định và mỗi khi nghĩ đến nó, tôi thấy vơi đi những khó nhọc hiện tại.
- Tôi không bao giờ sợ thất bại mà chỉ xem nó như một kết quả không như ý. Có lẽ nhờ vậy mà tôi đã đặt chân tới được những nơi mà lẽ ra đã không dành cho tôi.
- Tất cả những thành tựu mà ta thấy được thường bắt nguồn từ những thứ đơn giản, nhỏ nhặt.
- Tôi chợt hiểu ra rằng tiền bạc không làm tôi hạnh phúc mà chính niềm đam mê gây dựng một dự án có ích cho xã hội làm tôi hạnh phúc. |
Chúng tôi cũng chẳng làm điều gì to tát ngoài những lúc cả nhà hát karaoke chung với nhau hay những bữa cơm gia đình ấm cúng và đầy tiếng cười.
Tôi cũng nhận ra rằng các con mình đã lớn nhanh và không bao lâu nữa chúng sẽ rời xa để đeo đuổi sự nghiệp cho riêng mình. Vì thế, tôi muốn tận dụng khoảng thời gian còn lại này để nói chuyện nhiều hơn với con cái và chia sẻ những điều mà chúng quan tâm. Tôi muốn tạo thêm thật nhiều kỷ niệm đẹp đẽ cho thời thơ ấu của chúng, vì tôi luôn tin rằng tình cảm gia đình là một trong những thứ quý giá nhất, bên cạnh tình yêu và tình bạn.
Cuộc sống riêng tư của tôi cũng có nhiều xáo trộn, từ cách ăn mặc, không còn sơ mi – quần tây mà là áo thu – quần jeans hay quần ka-ki… nhiều người quen thậm chí không nhận ra tôi khi bắt gặp thoáng qua ở đâu đó.
“Thoát khỏi cái bóng của Phở 24 là một thách thức”
Mỗi khi tản bộ ngang qua một tiệm Phở 24 nào đó là tôi cứ bị “việt vị” vì phản xạ bước xộc thẳng vào bên trong để hỏi han tình hình hay nhắc nhở nhân viên điều gì đó. Tôi đặc biệt khó chịu khi thấy phía trước cửa hàng lúc trời đã nhập nhoạng tối mà vẫn chưa bật đèn. Đâu phải cứ chờ đúng giờ mới bắt đầu mở đèn mà phải linh động tùy tình hình thời tiết chứ, nhất là những lúc trời mưa, mới hơn 5 giờ chiều mà có khi trời đã sụp tối. Cửa tiệm thì lúc nào cũng cần sáng sủa, đẹp đẽ.
Nhiều khi bước xộc vào đến nơi, vỗ vai nhân viên rồi tôi mới sực nhớ rằng mình không còn là sếp nữa, nên lúng túng thay đổi nội dung từ nhắc nhở, than phiền qua góp ý, hỏi thăm chung chung. Khi ăn xong một tô phở cũng vậy, cảm giác là lạ khi phải gọi nhân viên đến tính tiền thay vì chỉ ký trên hóa đơn như hàng chục năm nay.
Câu hỏi “Kế tiếp là cái gì đây?” không những chỉ thì thầm trong tai mà gần đây còn được thốt ra từ bạn bè của tôi khá thường xuyên, họ muốn biết dự định của tôi là gì sau Phở 24. Tôi trả lời là đang thư giãn, nhưng vẫn không ngừng suy nghĩ về những dự án sắp tới, có điều đến nay vẫn chưa có một ý tướng nào thú vị như với món phở.
Thoát ra khỏi cái bóng của Phở 24 đúng là một thách thức lớn với tôi, cũng như Daniel Radcliffe muốn thoát ra khỏi vai diễn để đời Harry Potter.
Tôi tin chắc rằng sớm muộn gì cũng sẽ tìm được một dự án hấp dẫn làm tôi phải mất ăn mất ngủ. Khi đó những cuộc họp, những chồng email cùng với 12 giờ làm việc căng thẳng mỗi ngày cũng sẽ quay trở lại. Ai đó đã từng ví các dự án kinh doanh cũng như những chuyến xe buýt đến rồi lại đi, hết chuyến này đến chuyến khác, quyết định có nhảy lên hay không là tùy mỗi doanh nhân. Làm gì thì làm nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn vô cùng hào hứng khi nói về các ý tưởng kinh doanh và vẫn ngoái đầu nhìn khi đi ngang qua một địa điểm tốt đang chờ người thuê.
Tôi chợt hiểu ra rằng, tiền bạc không làm tôi hạnh phúc mà chính niềm đam mê gây dựng một dự án có ích cho xã hội làm tôi hạnh phúc.
Mười năm sống với Phở 24 là một ngã rẽ đầy ý nghĩa và đẹp đẽ nhất của cuộc đời tôi. Đó là những ngày tháng tôi hạnh phúc với lý tưởng sống của mình và vui sướng, với những hoài bão dữ dội của tuổi trẻ.