Giá nguyên vật liệu bao gồm giá thép - chiếm khoảng 20% trong một công trình xây dựng tăng phi mã suốt từ cuối năm 2020 đến thời điểm tháng 6/2021 cùng với dịch bệnh phức tạp đã khiến các doanh nghiệp ngành xây dựng kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.
LÃI TĂNG NHỜ TIỀN GỬI, CHO VAY, THOÁI VỐN
Báo cáo tài chính quý 2/2021 của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) cho thấy, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận 3.179 tỉ đồng, tăng nhẹ so với con số 2.949 tỉ đồng của quý 2/2020. Giá vốn hàng bán tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận gộp còn 195 tỉ đồng, giảm 17%. Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư ghi nhận 50 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái không có, dẫn đến lợi nhuận sau thuế tăng mạnh từ 1,9 tỉ đồng lên 58 tỉ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, HBC ghi nhận 67 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Năm 2021, HBC dự kiến doanh thu đạt 13.500 tỉ đồng, tăng 20% so với kết quả năm 2020, lợi nhuận sau thuế 2021 đạt 235 tỉ đồng, gấp hơn 2,8 lần năm 2020. Như vậy, HBC mới đạt được 28% so với chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra dù đã đi hết một nửa chặng đường của năm 2021.
Hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn, ban lãnh đạo thông qua kế hoạch thoái vốn tại các dự án đầu tư địa ốc cũng như công ty con kinh doanh kém hiệu quả. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021 hồi tháng 6, Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải cho biết giá vật liệu xây dựng là thép, nhôm, đồng tăng hơn 40% tính từ cuối năm 2020 ảnh hưởng đến HBC. Hiện nay, HBC có đầu tư khoảng 11 dự án. Nếu thoái vốn từ các dự án, công ty con, công ty liên kết…sẽ thu được về tầm hơn 500-800 tỉ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng là cứu cánh cho lợi nhuận của Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC). Quý 2/2021, PHC ghi nhận doanh thu thuần 203,9 tỉ đồng, giảm so với con số 297 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp 12,3 tỉ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhờ doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay, cổ tức tăng gần 14 lần đạt 41 tỷ đồng giúp cho lợi nhuận thuần đạt 37 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 360 triệu đồng của quý 2/2020. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, PHC lãi sau thuế 31,5 tỉ đồng, trong khi năm ngoái là 459 triệu đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PHC ghi nhận lãi sau thuế 34,8 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 786 triệu đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Tổng cộng tài sản của PHC tính đến ngày 30/6 là 1.907 tỉ đồng, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 64 tỷ đồng đầu năm xuống còn 17 tỉ đồng. Tiền gửi ngân hàng còn 16,8 tỉ đồng trong khi đầu năm là 63 tỷ đồng. Trong bảng cân đối kế toán cũng không có khoản chi tiết cho vay ngắn hạn hay dài hạn nào. Nợ phải trả 1.515 tỉ đồng gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu, nguồn vốn kinh doanh của PHC chủ yếu đi vay với tỷ lệ vay chiếm đến 79%.
Công ty CP Xây dựng Coteccons (CTD) quý 2/2021 cũng ghi nhận doanh thu thuần 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với quý 2/2020. Lợi nhuận gộp 134,7 tỷ đồng, giảm 49%. Tuy nhiên, khác với HBC, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao dẫn đến lợi nhuận sau thuế còn 44,8 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, CTD ghi nhận 99 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 280 tỷ đồng năm 2020.
Năm 2021, CTD đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng. Như vậy, CTD mới hoàn thành được 13% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra.
Kinh doanh khó khăn hơn cũng diễn ra tại Công ty CP Vinaconex 25 (VCC). Quý 2/2021 VCC ghi nhận doanh thu 237 tỷ đồng, giảm 14%. lợi nhuận sau thuế còn 1,7 tỷ đồng, giảm 55% so với quý 2/2020. Lý giải tình trạng kinh doanh sụt giảm, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh Covid-19 tác động ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2021 của công ty. Một số dự án, công trình tạm dừng thi công hoặc giãn thi công dẫn đến các chỉ tiêu công ty thực hiện trong quý 2/2021 không đạt.
Tổng doanh thu và thu nhập khác giảm 13,8% trong khi tổng chi phí giảm 13,2%, tỷ lệ giảm doanh thu cao hơn tỷ lệ giảm chi phí làm lợi nhuận sau thuế giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này diễn ra tương tự tại Công ty CP Đầu tư và Xây dựng HUD 3 khi doanh thu bán hàng ghi nhận tăng trưởng nhẹ đạt 24,6 tỉ đồng nhưng giá vốn hàng bán tăng cao dẫn đến lợi nhuận gộp mỏng manh 3,6 tỉ đồng, giảm gần một nửa so với con số của quý 2/2020. Doanh thu hoạt động tài chính chủ yếu là lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng mạnh nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tốc độ tăng cao hơn dẫn đến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 281 triệu đồng, trong khi năm ngoái lãi 3,2 tỉ đồng.
TRIỂN VỌNG 6 THÁNG CUỐI NĂM RA SAO?
Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bất động sản sau khi lao dốc đang có xu hướng đi ngang tích luỹ thời gian gần đây.
Chẳng hạn, HBC sau khi giảm mạnh từ thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát tháng 4, hiện đi ngang ở vùng giá 13.000 đồng/cổ phiếu. CTD sau khi giảm mạnh từ vùng 72.000 đồng đầu tháng 4 hiện đang giao dịch với giá 64.500 đồng/cổ phiếu. VCC lình xình ở mức giá 14.000 đồng; PHC đóng cửa phiên giao dịch 3/8 thị giá 19.050 đồng/cổ phiếu, giảm nhẹ so với thời điểm giữa tháng 7; ROS lình xình ở vùng giá 5.200 đồng/cổ phiếu sau khi rơi mạnh từ 7.000 đồng thời điểm giữa tháng 6 đến nay.
Đánh giá về nhóm xây dựng nhà thầu, giới chuyên môn và nhiều công ty chứng khoán đồng thuận cho rằng triển vọng nhóm này 6 tháng cuối năm 2021 sẽ tốt hơn so với 6 tháng đầu năm 2020.
Động lực chính đến từ giá thành thép cơ bản đã chững lại trong tháng 6 sau khi tăng mạnh 6 tháng đầu năm. Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép, cụ thể: tăng thuế xuất khẩu phôi thép từ 0% lên 5% và giảm 5-10% thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép từ mức 15-25%. Đề xuất này nếu được thông qua sẽ giúp nguồn thép nhập khẩu vào Việt Nam dồi dào, cạnh tranh giá thép giữa các doanh nghiệp ngành thép tăng cao và doanh nghiệp xây dựng là là đối tượng được hưởng lợi.
Mặc dù sản lượng tiêu thụ thép trong nước được dự báo tăng trưởng chậm lại trong tháng 7 - tháng 8 do vào mùa mưa và dịch bệnh làm giãn tiến độ xây dựng tuy nhiên tình hình này sẽ cải thiện đáng kể vào thời điểm cuối năm 2021 khi dịch bệnh được kỳ vọng kiểm soát nhờ tiến độ tiêm vaccin dồn dập hơn.
6 tháng cuối năm 2021, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, đầu tư công sẽ là đầu kéo khả thi nhất bởi các động lực tăng trưởng như xuất nhập khẩu, tiêu dùng đang suy yếu do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Thời gian gần đây, Chính phủ đang có những động thái để tăng cường đẩy mạnh đầu tư công. Cụ thể, Nhị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành Tháng 6/2021 nêu rõ định hướng tập trung tháo gỡ các khó khăn, khúc mắc về thể chế, chính sách. Đồng thời, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95% - 100% kế hoạch được giao. Trong đó, đến hết Quý 3/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 13/CT- TTg trong đó nêu rõ, Vốn đầu tư công phải thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là “vốn mồi” để thu hút tối đa các nguồn lực khác.
Vừa qua, Bộ Giao thông – Vận tải đã yêu cầu khẩn trương hoàn thiện hồ sơ cấp thẩm quyền phê duyệt tất cả các tỉnh chậm nhất vào tháng 12/2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đảm bảo giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch cho đến hết tháng 12/2021.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BXD về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 2021. Trong đó đến hết 31/12/2021 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn 2021 được giao.
Đầu tư công được đẩy mạnh sẽ là đầu kéo cho các công trình xây dựng dân dụng, nhờ đó các doanh nghiệp xây dựng sẽ được hưởng lợi trực tiếp với các gói thầu thi công được triển khai rầm rộ hơn. Trong báo cáo triển vọng đầu tư công ngày 20/7, chứng khoán Agriseco cũng cho rằng những nhóm ngành hưởng lợi nhờ thúc đẩy đầu tư công gồm xây dựng, thi công công trình, Bất động sản; Vật liệu xây dựng…