Cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại nhưng VPBank giảm khiến ông Ngô Chí Dũng đánh mất kỷ lục. Ông Đoàn Nguyên Đức đón tin vui với 2 cổ phiếu của mình.
Sau một thời gian dài tăng giá, thị trường chứng khoán đã có hai tuần đi theo hướng điều chỉnh. Chỉ số VN-Index từ vùng 800 điểm xuống dưới mốc 770 điểm.
Đây là một mốc khá cân bằng, mỗi khi VN-Index tụt sâu xuống dưới ngưỡng này thì lực cầu bắt đáy khá mạnh và ngược lại mỗi khi VN-Index vượt lên thì áp lực chốt lời lại diễn ra khiến cho mọi nỗ lực bứt phá đều không thành.
Thị trường chứng khoán còn chùng lại ở vào thời điểm thiếu vắng các thông tin hỗ trợ. Mùa đại hội đã qua đi từ lâu, các kế hoạch kinh doanh ấn tượng đã được phản ánh hết vào giá. Kết quả kinh doanh quý 2 cũng đã phản ánh vào giao dịch, trong khi mùa kết quả kinh doanh quý 3 chưa tới.
Áp lực bán cổ phiếu vào thời điểm trước tháng Cô hồn (tháng 7 âm lịch) cũng khiến cho thị trường chùng lại và giao dịch không còn sôi động như vài tháng trước đó. Tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đã giảm xuống dưới ngưỡng 4 ngàn tỷ đồng, so với trung bình gần 5 tỷ đồng hồi tháng 7 (dương lịch).
Cổ phiếu ngân hàng vẫn hút dòng tiền.
Nhóm cổ phiếu chủ chốt vẫn là động lực chính kéo thị trường đi lên sau những phiên điều chỉnh giá. Hàng loạt các mã như Vinamilk (VNM), Petroliex (PLX), VietJet Air (VJC), Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), FPT… vẫn là trụ cột cho thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục biến động trên đỉnh cao và cũng cũng đóng góp lớn cho thị trường mỗi khi nhóm này hồi phục. Sau vài phiên chịu áp lực bán ra sau cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà, cổ phiếu BIDV (BIV) của Ngân hàng Đầu tư Phát triển tăng trở lại với giao dịch rất lớn. Eximbank (EIB) thậm chí tăng kịch trần, Vietcombank (VCB) cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, VPB của Ngân hàng VPBank của ông Ngô Chí Dũng điều chỉnh giảm sau phiên lên sàn ấn tượng với mức giá đúng bằng tham chiếu: 39.000 đồng/cp. VPBank giảm 1.800 đồng xuống 37.200 đồng/cp khiến VPB đánh mất ngôi vị cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất thị trường. Vietcombank lấy lại vị trí này sau chỉ đúng 1 ngày.
Một điểm nổi bật khác trên thị trường là nhóm cổ phiếu phân bón. Một số cổ phiếu nhóm ngành này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, nhưng dòng tiền mới chỉ dồn chủ yếu vào LAS của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, NFC của Phân bón Ninh Bình, PCE của Phân bón Hóa chất Dầu khí Miền Trung và HSI của Vật tư tổng hợp và Phân bón hóa sinh.
Cổ phiếu LAS của Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tăng trần phiên thứ 2 và có giao dịch khớp lệnh rất lớn. Các cổ phiếu khác như Đạm Cà Mau (DCM), Đạm Phú Mỹ (DPM), SFG, BFC… không có biến động quá mạnh.
Một số cổ phiếu nhóm ngành phân bón bứt phá sau thông tin Bộ Công Thương đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng sang chịu thuế 0%.
Một số cổ phiếu nóng sau vài phiên giảm sàn quay đầu tăng mạnh trở lại như: HAI, ART, FIT, TSC... HAI của tập đoàn ông Trịnh Văn Quyết tăng trần với dư mua hàng triệu cổ phiếu.
Bộ đôi cổ phiếu HAG và HNG của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức giữ được mức giá tham chiếu sau khi Bầu Đức đón tin vui. Hai cổ phiếu này được đưa ra khỏi diện cảnh báo từ 22/8 nhờ báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2017 đều báo lãi lớn cả ngàn tỷ đồng sau khi bán bán mảng mía đường cho phía Thành Thành Công.
Trước đó, từ giữa tháng 5, cả HAG và HNG đã bị đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2016 âm.
Cổ phiếu ngành thủy sản vẫn khá èo uột. HVG của CTCP Hùng Vương tăng mạnh được 1 phiên nhờ bán tài sản là đất đai nhưng đã chùng trở lại.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn. Tuy nhiên, áp lực chốt lời và sự phân hóa là không tránh khỏi. Thị trường hiện còn chịu áp lực về thông tin Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/8, VN-index tăng 1,38 điểm lên 768,97 điểm; HNX-Index tăng 0,34 điểm xuống 100,83 điểm. Upcom-Index giảm 0,13 điểm còn 54,51 điểm. Thanh khoản đạt 255 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt gần 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.