Thị trường chứng khoán tháng 5 chứng kiến hàng loạt phiên lao dốc mạnh, khiến tài khoản nhà đầu tư 'bốc hơi' và VN-Index tuột khỏi mốc tâm lý 1.000 điểm..
VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 ở mức 971,52 điểm, tương ứng giảm 79,01 điểm (-7,5%) so với cuối tháng 4. HNX-Index cũng giảm 7,73 điểm (-6,3%) xuống 114,91 điểm. UPCoM-Index cũng giảm 6,7% xuống 52,76 điểm.
Sau những biến động khó lượng của thị trường, thanh khoản tiếp tục sụt giảm rất mạnh so với tháng 4, tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tháng 5 chỉ đạt 3,8 tỷ cổ phiếu (giảm 16% so với tháng trước), tương ứng tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt trên 97.000 tỷ đồng (giảm 24%).
Tuy rằng đà giảm của thị trường chung đã lan tỏa đến hầu hết các nhóm cổ phiếu lớn nhỏ, vẫn còn một số cổ phiếu đi ngược lại xu hướng chung này và khiến nhà đầu tư bất ngờ bởi tỷ suất lợi nhuận quá lớn nếu nắm giữ thời gian qua.
Tại sàn HOSE vẫn có đến 3 cổ phiếu tăng giá đến trên 40% trong tháng 5. Dẫn đầu về mức tăng giá sàn này là 'tân binh' HSL của Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản Hồng Hà Sơn La. Cổ phiếu này chính thức lên giao dịch tại sàn HOSE đúng thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam phải chịu nhiều sóng gió. Giá tham chiếu chào sàn của HSL là 16.500 đồng/CP, nhưng sau khoảng gần 1 tháng giao dịch, HSL đã leo lên mức 24.350 đồng/CP, tương ứng mức tăng là 47,6%.
Hai cổ phiếu HOT của Công ty cổ phần Du lịch - Dịch vụ Hội An và TIX của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình có mức tăng lần lượt 47% và 41,3%.
Một cổ phiếu cũng gây được sự chú ý khá lớn đến nhà đầu tư đó là BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh. Trong bối cảnh các cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt lao dốc ở tháng 5 thì BMP lại đi ngược và tăng hơn 25%. Việc cổ phiếu BMP đi ngược lại xu hướng thị trường chung là điều không quá bất ngờ. Trước đó, BMP đã có khoảng thời gian lao dốc rất mạnh từ khoảng 89.000 đồng/CP xuống chỉ còn khoảng gần 50.000 đồng/CP.
Tại sàn HNX, CAG của Công ty Cổ phần Cảng An Giang là cái tên khiến nhà đầu tư bất ngờ khi tăng giá đến hơn 100% chỉ sau 1 tháng. Cổ phiếu CAG đã tăng từ 51.200 đồng/CP lên thành 119.200 đồng/CP, tương ứng mức tăng 132,8%. Dù CAG tăng giá rất mạnh như trên nhưng không mấy nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận từ việc này do thanh khoản của CAG là rất thấp. Cổ phiếu này thường xuyên không có giao dịch và các phiên tăng điểm của CAG vừa qua chỉ có khối lượng khớp lệnh vỏn vẹn 100 cổ phiếu.
Trong khi đó, biên độ tăng giá của một số cổ phiếu sàn UPCoM còn khiến nhà đầu tư tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Trong khi thị trường diễn biến rất xấu thì sàn UPCoM vẫn ghi nhận đến 4 cổ phiếu tăng giá trên 100%. EME của Công ty Cổ phần Điện cơ là cái tên dẫn đầu trong số này. EME chỉ sau 1 tháng đã tăng từ 13.300 đồng/CP lên thành 52.741 đồng/CP, tương ứng mức tăng là gần 300%.
Tiếp sau đó, cổ phiếu PTM của Công ty cổ phần Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ ôtô PTM cũng đã tăng giá đến 163% chỉ sau 1 tháng. Tuy nhiên, khác với EME, thanh khoản của PTM là rất thấp chỉ khoảng vài trăm cho đến vài nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Hai cổ phiếu VT1 của Công ty Cổ phần Vật tư Bến Thành và DAP của Công ty Cổ phần Đông Á cũng đều tăng trên 100%.