Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 tổ chức hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hoạt động tín dụng đen thời gian qua xảy ra trên nhiều địa bàn gây bất ổn trật tự xã hội, tác động xấu đến hoạt động tiền tệ ngân hàng, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp hơn với Bộ Công an xử lý tốt hơn tình trạng tín dụng đen, đồng thời, mở rộng tín dụng, tăng cường đáp ứng nhu cầu vay chính đáng của người dân.
Ảnh minh họa
Nói dễ, làm có dễ?
Đánh giá về thông điệp này của Chính phủ, TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng, về chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng quá trình thực hiện sẽ không đơn giản.
“Các tổ chức tín dụng, tài chính trên thị trường hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận chứ không đi làm từ thiện. Bởi vậy, họ sẽ chỉ cho vay khi lãi suất đủ cao và khả năng thu hồi nợ đủ lớn để có lãi”, TS. Độ nói.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, ngân hàng có thể mở rộng tín dụng nhưng không thể rộng tay một cách quá mức và nó vẫn là cửa hẹp.
Còn những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, có khả năng trả nợ thấp, dù có nhu cầu chính đáng cũng khó có thể vay được tiền. Nếu muốn giúp đỡ những đối tượng này sẽ cần một khoản tiền nào đó dùng để bù lỗ cho các tổ chức tài chính, tín dụng. Nhưng những khoản tiền như vậy, nếu có, cũng sẽ rất dễ bị lợi dụng, chiếm đoạt.
Còn theo TS. Đỗ Hoài Linh, giảng viên Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc đẩy lùi tín dụng đen thông qua những giải pháp như: tổ chức triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng; phối hợp với Bộ Công an và chính quyền địa phương các cấp đấu tranh, ngăn chặn tín dụng đen…
“Những nỗ lực này theo tôi rất đáng ghi nhận, nó thể hiện mong muốn và quyết tâm của nhà quản lý trong việc mong muốn đẩy lùi vấn nạn đang gây nhức nhối cho toàn xã hội. Nhưng tôi cho rằng để đẩy lùi là một việc cực kỳ khó khăn bởi xã hội hiện vẫn tồn tại nhu cầu phạm pháp như sử dụng ma tuý.
Còn quyết tâm này có tính hiệu quả trong thực tế đến đâu, theo tôi, cần nhiều hơn nữa một sự đồng bộ và triệt để biện pháp từ giáo dục nhận thức, quản lý nhà nước và hình thức xử phạt thì mục tiêu đẩy lùi tín dụng đen mới có thể đạt được. Ngoài ra, sự hợp tác của người dân cũng có đóng góp quan trọng cho sự hiệu quả của mục tiêu này”, TS. Linh cho hay.
Còn nhiều sự lựa chọn khác?
Tìm cách ngăn chặn các đối tượng cho vay tín dụng đen nhưng nhu cầu chính đáng của người dân thì vẫn còn đó. Vậy làm thế nào để giải quyết điều này? Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, hiện Chính phủ và NHNN đã yêu cầu các NHTM có điều chỉnh để sản phẩm tốt hơn, rộng cửa cho khách hàng của mình.
Tuy nhiên, trong nền kinh tế còn có loại hình P2P Lending (vay ngang hàng), là những công nghệ kết nối người có tiền và người có nhu cầu đi vay. Luật pháp Việt Nam hiện chưa có quy định cụ thể có cho phép hay không và nếu cho phép thì cho phép như thế nào.
“Đây là một cửa tốt để giảm tín dụng đen nhưng cũng nhiều rủi ro, ở nhiều quốc gia, nhiều người cũng đang được hưởng từ nó, nhiều công ty phá sản vì nó. Việt Nam cần sớm có hành lang pháp luật quy định để chắp nối người cho vay và đi vay đến được với nhau. Ngoài ngân hàng, công ty tài chính, tiệm cầm đồ… còn nhiều giải pháp mà chúng ta cần quan tâm”, TS. Hiếu nêu ý kiến.
Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng các NHTM có thể điều chỉnh để cung cấp tín dụng nhiều hơn cho các cá nhân vay nhiều hơn.
“Họ phải xem lại chính sách tín dụng của mình làm sao điều chỉnh hạn mức tín dụng đáp ứng nhu cầu của người dân. Quy trình cấp tín dụng cũng phải thay đổi, họ hiện tại đang ở thế "soi" quá nhiều, yêu cầu quá nhiều tiêu chí. Quy trình quá chặt chẽ là ngân hàng tự bó tay mình nên cần xem xét lại để nó mở hơn. Nhưng tất nhiên, chỉ nên mở một mức nào đó. Tôi đề nghị cho phép nhiều NHTM được mở các công ty tài chính để từ cửa đó họ mở rộng ra chứ không phải tại chính ngân hàng”, TS. Hiếu nói.