Lãi suất huy động hiện nay tại các ngân hàng (NH) hiện đang phổ biến ở mức từ 5,5 - 6%/năm cho kỳ hạn 1 tháng. Lâu nay người dân vẫn thường “ăn chắc mặc bền”, có các khoản tiền nhàn rỗi (không lớn) thường nghĩ đến gửi tiết kiệm, vì kênh đầu tư này từ lâu vẫn được xem là kênh đầu tư an toàn, truyền thống, đơn giản và gặp ít rủi ro. Nhưng với lãi suất tiết kiệm như hiện nay, liệu kênh đầu tư này có còn thực sự hấp dẫn?
Người dân ở đây được hiểu là các đối tượng cán bộ hưu trí, công nhân, nông dân, giáo viên, nhân viên văn phòng…- những đối tượng có thu nhập thấp, hưởng lương từ ngân sách nhà nước, chính vì vậy lượng tiền nhàn rỗi thường không quá lớn.
Đau đầu vì... tiền!
Khảo sát một vòng của PV Lao Động cho thấy, mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại các NHTMCP đang áp dụng hiện nay tương đối thấp, đơn cử như NH Đông Nam Á (Seabank) đang huy động ở mức là 5,5%/năm; NHTMCP Á Châu (ACB) 5,1%/năm, NH Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) 6%/năm… Tại các NHTM quốc doanh mức lãi suất 1 tháng cũng không khá hơn, cụ thể NH NNPTNT Việt Nam ở mức 6%/năm; NH Quân đội (MB) 5,3%/năm...
Trong khi đó, đầu tư vào CK thì không phải người dân nào cũng có đủ sự hiểu biết để phân tích và nhận định thị trường. Việc này đòi hỏi phải cập nhật thông tin trên sàn CK hằng ngày, hằng giờ, phải hiểu biết một chút về công nghệ thông tin… Hiện kênh đầu tư này dường như chỉ phù hợp với đối tượng là các cán bộ công chức, nhân viên văn phòng với 8h làm việc hằng ngày, có thời gian nghiên cứu sàn “xanh” hay “đỏ”.
Tuy nhiên, có thể thấy, TTCK hiện nay không còn ngon ăn như cách đây 5-6 năm trước, khi mà giới đầu tư cứ mua đi, bán lại là sinh lời. Các NĐT CK đã khôn ngoan hơn sau nhiều năm TTCK cứ đầu tư là lỗ.
Còn đầu tư vào BĐS thì sao? Mặc dù hiện nay thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường căn hộ chung cư có vẻ đã ấm hơn, với rất nhiều các dự án đang ồ ạt mở bán, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá, chiết khấu lớn khi mua căn hộ…, nhưng với kênh đầu tư này, người dân phải có một khoản tiền khá lớn và cần sự mạo hiểm mới dám đầu tư vào kênh này.
Mặt khác, với tâm lý chung của khá nhiều người cho rằng giá BĐS còn giảm nữa nên vẫn còn tâm lý chờ đợi. Theo giới chuyên gia, thời điểm hiện nay chỉ phù hợp với những ai thực sự có nhu cầu mua nhà để ở, còn mua để “lướt sóng” thì cần phải cẩn trọng và tính toán thật kỹ vị trí cũng như chủ đầu tư và tính thanh khoản của dự án.
Khi gặp biến động, sự hoài niệm thức dậy, người ta nhớ đến vàng và đưa tiền “trốn” vào vàng. Nhưng vàng vẫn chỉ là thứ kim loại lấp lánh. Với bản chất một đất nước nông nghiệp như nước ta, cha ông xưa đã có câu “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”, câu ngạn ngữ này có phần đúng với vàng dưới thời điều hành của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, khi người đứng đầu ngành liên tục khẳng định kiên quyết chống “vàng hóa, đôla hóa” nền kinh tế. Giá vàng có lúc đã nhảy vọt lên trên 40 triệu đồng/lượng, giờ lên xuống xung quanh mức 35 -36 triệu đồng/lượng. Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn thậm chí còn nhận định, giá vàng sẽ rớt mạnh vào cuối năm nay.
Hơn nữa, hiện nay giá vàng trong nước diễn biến theo thế giới, nhưng khi giảm lại không giảm mạnh bằng thế giới, mà chỉ thường nhỏ giọt, khiến biên độ giữa hai thị trường ngày càng lớn. Một yếu tố khác, giá vàng biến động quá ít trong mấy tháng nay, tốc độ tăng, giảm chậm, nên nếu mua để đầu tư thì thu lời được rất ít (nếu có), thậm chí có thể còn bị lỗ nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh.
Gửi tiết kiệm vẫn an toàn
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính NH, với dự báo lạm phát của năm 2014 ước tính khoảng 5%, thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND hiện nay vẫn có mức sinh lời. Giá USD trong năm 2014 tương đối ổn định nên việc gửi tiết kiệm bằng VND vẫn có lợi hơn so với gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ (lãi suất rất thấp, khoảng 1,25%/tháng).
Trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục ổn định, NĐT nên chọn các kỳ hạn gửi dài để được hưởng mức lãi suất hấp dẫn (phổ biến từ 6,8 - 7,8% cho kỳ hạn 12 tháng). TTCK cũng là điểm nhắm tốt nếu NĐT đã có đủ sự hiểu biết, còn BĐS chỉ dành cho những người thực sự mua để ở.
Theo thông tin ông Lê Đức Thọ - TGĐ Vietinbank đưa ra tại hội thảo khoa học “Tăng trưởng tín dụng các NH thương mại Việt Nam hiện nay - thực trạng và giải pháp” mới tổ chức ngày 16.9 tại Hà Nội thì lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2%, trong khi lãi suất huy động gần như không còn dư địa để giảm thêm. Chính vì vậy kênh đầu tư tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay xem ra vẫn là một kênh đầu tư an toàn, và ít rủi ro nhất đối với người dân.