Riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS), theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, hoạt động kinh doanh bất động sản của cả nước đóng góp gần 5% GDP, tăng trưởng 4,33%, cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Trong đó, quý IV/2018, ngành bất động sản tăng trưởng kỷ lục, 4,87%.
Năm 2018 vừa qua đi ghi dấu ấn đậm nét ở tất cả các lĩnh vực khi chỉ số GDP đạt 7,1%, cao nhất trong 10 trở lại đây. Đáng chú ý, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, năm qua các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và chứng khoán cũng có sự phát triển đáng kể.
Theo các chuyên gia, bất động sản vẫn là kênh đầu tư sinh lợi an toàn trong năm 2019.
Vậy trong 3 lĩnh vực là chứng khoán, ngân hàng và bất động sản năm 2019 nên “bỏ trứng” vào “giỏ” nào?
Trao đổi với BizLIVE về vấn đề này, ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Hà Nội - Công ty tư vấn, nghiên cứu thị trường bất động sản, cho biết: “Tôi vẫn nghĩ bất động sản là giỏ đáng đầu tư. Chứng khoán thì như đã thấy, cũng có lúc “đau tim”, có lúc rất ổn nhưng chủ yếu là “đau tim”.
Tôi tin 2018 vừa qua sẽ không được đánh giá là năm thành công của thị trường chứng khoán. 2019 tôi cũng không nhìn thấy sự khác biệt nhiều so với năm 2018, vì chứng khoán rất nhạy cảm với tình hình kinh tế, dấu hiệu của nền kinh tế vĩ mô, thậm chí còn đi trước nền kinh tế vĩ mô”.
Theo ông Giám đốc JLL Hà Nội, phản ứng của thị trường chứng khoán thường đi trước kết quả của nền kinh tế có được. Hiện nay, trong thế giới phẳng, người ta quan sát được thị trường khác như NewYork, Thượng Hải... Những thị trường đó tác động được đến thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, những thị trường chứng khoán trên hiện rất bấp bênh. Thị trường chứng khoán Mỹ sau giai đoạn đạt được những kết quả ngoạn mục, hiện đang có dấu hiệu không ổn định trở lại. Vì thế, sự không nhất quán của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Sự liên thông giữa chứng khoán với bất động sản là có nhưng ít. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang được tiếp sức rất lớn từ nhu cầu của người dân Việt Nam. Ai cũng muốn có một mái nhà và nhu cầu đó hiện còn rất nhiều. Chúng tôi tin rằng, bất động sản vẫn là giỏ đầu tư rất cần cân nhắc. Còn lĩnh vực ngân hàng thì ổn định và trở thành kênh đầu tư truyền thống. Do quá ổn định nên không còn hấp dẫn người khác”, ông Quang nhận định.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội – Công ty tư vấn, nghiên cứu về thị trường bất động sản cho biết, việc quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm yếu tố cá nhân như nguồn vốn đầu tư, thời gian và khẩu vị rủi ro và kinh tế vĩ mô như lãi suất, lạm phát …
Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như động thái tăng lãi suất của Fed vừa qua cũng như căng thẳng chiến tranh thương mại chắc chắn sẽ có áp lực lên VND và có thể ảnh hưởng đến điều chỉnh lãi suất VND.
Nhìn lại trong giai đoạn vừa qua, cũng quan sát thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng thương mại có điều chỉnh tăng nhẹ, đặc biệt là các kỳ hạn dài. Như vậy, kênh ngân hàng vẫn là một kênh tương đối ổn định hơn so với các kênh đầu tư khác, ít nhất là trong tương lai gần.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu có sự tăng trưởng đáng ghi nhận về quy mô vốn hóa, tuy chỉ số VNIndex có một năm nhiều biến động và được dự báo giảm 5,5% so với cuối 2017 (theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia). Tuy nhiên, với một thị trường đang phát triển và hoàn thiện, thị trường cổ phiếu Việt Nam thường được quan tâm bởi các nhà đầu tư ngắn hạn.
“Thị trường BĐS cũng đón nhận các dấu hiệu khá khả quan về với các dự án mới từ chủ đầu tư trong nước cũng như sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn vốn đổ vào thị trường BĐS sẽ tiếp tục được kỳ vọng tăng thêm. Như vậy, với dự án có tiềm năng sinh lời và là mô hình quen thuộc đầu tư của người Việt, BĐS sẽ tiếp tục là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn”, bà An nhận định.