Kỳ vọng...
Theo đánh giá của cả chuyên gia và nhiều nhà đầu tư, việc thị trường được giao dịch ở mức T+0 sẽ là một bước tiến lớn. Đặc biệt, việc “nâng cấp” này có khả năng giúp các nhà đầu tư tự tin hơn, thanh khoản tốt hơn.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc triển khai T+0 quá chậm. Đồ họa: Thành Nguyễn.
Nhà đầu tư Nguyễn Trọng Hùng (Vũng Tàu) nhận định, giao dịch T+0 là bước tiến lớn giúp tăng thanh khoản cho thị trường và tăng tính hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư.
Cùng quan điểm trên, nhà đầu tư Nguyễn Kim Sáng (TP.HCM) cho rằng, T+0 là hết sức cần thiết. Và điều này đã được nói đến từ nhiều năm về trước. T+0 sẽ bảo vệ được cho nhà đầu tư nhiều hơn, giúp họ kịp thoát hàng sớm khi thị trường có tin xấu.
“Còn hiện tại những người bị kẹt hôm thứ 6 thì phải chờ đến thứ 4 tuần sau đó mới cắt hàng được. Riêng đối với thị trường UPCoM, trường hợp xấu nhất là họ sẽ mất 45% tài khoản nếu cổ phiếu “nằm sàn” 3 phiên liên tục”, ông Sáng cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng triển khai T+0 sẽ giúp hỗ trợ thị trường tốt hơn. Ảnh: Shutterstock.
Tương tự, theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Việt Quang, thì nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được giao dịch T + 0 sẽ giúp thanh khoản được cải thiện, nhà đầu tư có nhiều cơ hội giao dịch hơn.
“Đây là một phương pháp hay hỗ trợ thị trường và nhà đầu tư”, ông Quang đánh giá.
Và băn khoăn
Ở một góc nhìn khác, theo nhà đầu tư Nguyễn Đức Linh (Hà Nội) thì cá nhân ông cũng không quan tâm lắm tới việc T+ do ít khi chơi đầu cơ lướt sóng.
Ngoài ra, theo nhà đầu tư này, ngay cả các thị trường lớn của chứng khoán thế giới vẫn giữ T+3. Ví dụ, như thị trường “già dơ” như Mỹ cũng vẫn đang là T+3. Do đó, các nhà đầu tư không nên hy vọng quá nhiều vào T+1 hay T+0. Tất nhiên, có thể kỳ vọng vào việc nhà nước cho bán khống cổ phiếu.
Ông Linh cho rằng hiện tại thị trường Mỹ là T+3, tuy nhiên điểm khác là thị trường Mỹ cho phép đặt bán cả khi cổ phiếu đang trên đường về tài khoản có thể đặt bán. Khi đó, chờ 3 ngày cổ phiếu về thì lệnh đối ứng với khoản nhà đầu tư đã mua.
Cũng đồng quan điểm về việc nâng cấp lên T+0, nhà đầu tư Lê Kế Thọ (TP.HCM) cho rằng sự thay đổi trên thị trường khi được thực hiện giao dịch T+0 cũng rất lớn, tương tự trước đây khi chuyển từ T+4 sang T+3, đó là rút ngắn thời gian thanh toán, tạo thanh khoản cho thị trường, giúp nhà đầu tư quản trị rủi ro tốt hơn khi có thông tin xấu. Và có thể coi đây là 1 phương pháp hỗ trợ thị trường.
Tuy nhiên, ông Thọ cho rằng ở giai đoạn hiện tại thị trường không nên có quá nhiều công cụ làm nhà đầu tư chưa kịp thích ứng, vì đó có thể là một điểm mạnh nhưng cũng là một điểm yếu cho thị trường.
Kế hoạch áp dụng T+0 từ cuối năm 2019 vẫn chưa thể thực hiện.
Cách đây 1 năm, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán (VSD) cho biết VSD và các thành viên thị trường đang gấp rút hoàn thiện các bước chuẩn bị để triển khai nghiệp vụ T+0 vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020.
Việc “nâng cấp” này nằm trong Ðề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” của Chính phủ. Mục tiêu là để cơ cấu lại toàn diện thị trường chứng khoán, đưa thị trường phát triển theo hướng cân đối, bền vững hỗ trợ thiết thực cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và tăng cường mở cửa, hội nhập với khu vực và thế giới.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, T+0 vẫn chưa được áp dụng và đang tạo ra nhiều câu hỏi trong cộng đồng nhà đầu tư, về công tác triển khai, nhất là trong điều kiện thị trường chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19.