Cây sanh cổ giá 1,2 tỷ có dáng "Long hóa phá cách" vừa được anh Thành Nhân (Châu Phú - An Giang) bỏ tiền mua.
Chủ nhân
cây sanh cho biết, cây sanh cổ này có nét mảnh mai, mềm mại chứ không hoành tránh như những siêu cây bề thế, nhưng lại đòi hỏi cần nhiều công sức trong việc tạo hình để toát lên được sự mạnh mẽ, khỏe khoắn, trường tồn.
Mặc dù cây mang vẻ già nua nhưng khỏe khoắn. Gốc rẽ, chi cành gân guốc nhưng ngọn vẫn vươn lên phát triển, thể hiện sức sống mãnh liệt.
Theo chủ nhân của cây sanh này, người chơi cây cảnh sành điệu hay trồng cây cảnh chuyên nghiệp bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây vì gốc chính là tâm điểm để tạo nên thế của cây. Gốc có to, có khỏe thì cây mới mạnh. Vì thế gốc phải to hơn thân. Gốc càng to càng thể hiện cây đã sống lâu năm. Nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê càng đẹp.
Thế của cây sanh cổ tiền tỷ này gồm hai cây cùng gốc, nhưng một cây cao một cây thấp, rễ xòe ra theo chân thú.
Cây thấp thân to, ngắn nằm ngang, ngọn làm đầu ngẩng lên, không tàn nhánh, tạo dáng con ngựa nằm quay đầu trở lên.
Theo chủ nhân của cây sanh cổ, cây con dưới gốc cây thường gọi là cây tử. Cây con này sẽ giúp phần gốc cây nhìn không bị trống trải, tạo cảm giác ấm áp.
Còn cây to uốn thân long uyển chuyển, cong vẹo tự nhiên, cân đối, vững vàng.
Phân chi theo lối tứ diện xòe ra bốn phía làm chân và mây.
Ngọn uốn tàn to như bông sen rồi bẻ cúp xuống làm đầu rồng quay trở lại.
Đặc biệt, cây gây ấn tượng bởi bộ rễ u bướu tự nhiên mà không hề qua bàn tay can thiệp của con người.
Cây cảnh dáng long trượng trưng cho tính ôn hòa mềm mỏng nhưng không kém phần oai phong quyền lực.
Nhiều người đánh giá tác phẩm hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ - kỳ - mỹ - văn” của một cây cảnh đẹp để ngoài sân, với ý nghĩa sâu xa là động viên con người phải sống mạnh mẽ, vươn lên giống như cây bonsai này.
Dù ở góc nhìn nào, cây luôn thể hiện được vẻ đẹp kiêu hãnh, mang cốt cách của tao nhân. Đây chính là vẻ đẹp cao sang mà người đời thường mơ ước.
Để có được một tác phẩm cây cảnh nghệ thuật hài hòa, tự nhiên và độc đáo như thế này, chủ nhân của cây cảnh quý đã phải dày công chăm sóc rất tỉ mỉ và cẩn thận. Hàng ngày, nó được tỉa cành lá để đảm bảo những lá hư bị sâu ăn không làm ảnh hưởng đến những phần còn lại.