Nhà đầu tư Forex luôn ôm laptop suốt ngày đêm. Ảnh: Mai Phương
Thức đêm ôm máy tính chờ giao dịch khi thị trường Mỹ mở cửa, các nhà đầu tư (NĐT) Forex tại Việt Nam gọi đùa với nhau là những con “cú đêm”. Họ chỉ đi ngủ khi mọi người đã thức dậy hoặc có người phải ngủ gật ở nơi làm việc sau khi mải mê theo dõi việc lên xuống của thị trường Forex. Đầu tư thời gian, tiền bạc, sức khỏe nhưng cái họ nhận được hết sức bi đát...
Mất tiền, mất bạn, mất bồ
Một khi đã tham gia sẽ dễ nghiện và quên hết mọi thứ xung quanh. Ai đã nghiện game online thì sẽ hiểu cảm giác này, suốt ngày chỉ ngồi trên máy, ăn máy, ngủ máy và mơ cũng thấy giá vàng, giá ngoại tệ
Một nhà đầu tư vào Forex
Cách đây 10 năm, dù đã là một NĐT khá sành sỏi trên sàn chứng khoán trong nước nhưng Khang (Q.Tân Bình, TP HCM) chỉ dám giao dịch trên sàn Forex bằng những tài khoản ảo (tài khoản không nộp tiền thật, nếu có lời cũng không rút ra được - PV) để tìm hiểu. Thận trọng "dợt" tới gần 2 năm và đến năm 2006, Khang mới tự tin "lâm trận". Với "chiến tích" là những đợt thắng đậm trên sàn chứng khoán nội, Khang được bạn bè tin tưởng ủy thác vốn, cộng với số tiền của mình, anh mở tài khoản đánh vàng, ngoại tệ trên sàn VietForex với số tiền ban đầu 50.000 USD, đòn bẩy 1:200 (bỏ 1 đồng vốn, được đầu tư giá trị gấp 200 lần), cao gấp đôi so với tỷ lệ phổ thông dành cho nhiều người. Được ưu ái sử dụng đòn bẩy lớn lại tự tin với kinh nghiệm của mình, Khang giao dịch toàn lệnh lớn, tối thiểu cũng 1 lot (giá trị 100.000 USD, tiền ký quỹ chỉ 500 USD - PV). Không chỉ vàng, Khang còn thường xuyên giao dịch các cặp ngoại tệ như EUR/USD, GBP/USD và dầu thô... Nhưng thị trường ngoại hối không “dễ ăn” như Khang tưởng. Chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền 50.000 USD ban đầu đã nhanh chóng bay hơi vì lệnh thắng thì số lượng nhỏ còn lệnh thua toàn số lượng lớn.
Càng thua quyết tâm gỡ lỗ càng cao, Khang liên tục nộp thêm tiền vào tài khoản dù hầu bao ngày càng teo tóp. Khang kể lại lúc đó đầu óc trở nên mụ mị, cứ lao vào gỡ gạc. Đến năm 2009 - 2010, tổng số tiền bị thua lỗ của Khang lớn gấp vài chục lần con số ban đầu trong đó có cả tiền ủy thác đầu tư của bạn bè, tiền vay mượn thêm từ nhiều nguồn khác nhau... và Khang chính thức phá sản. Một cục nợ khổng lồ đè trên vai chàng trai ở tuổi 30 chưa lập gia đình.
"Kết cục là mình ôm một cục nợ, người yêu chia tay và mất đi nhiều bạn bè”, Khang cay đắng tổng kết một giai đoạn đen tối trong đời. Bài học kinh nghiệm đắt giá nhất khi tham gia đầu tư vào Forex theo Khang là phải dứt khoát cắt lỗ ngay, không chần chừ một giây phút nào vì càng chần chừ sẽ càng bị lỗ và tài khoản có thể bị cháy lập tức.
Nhưng thời điểm này Khang vẫn là một NĐT trên sàn chứng khoán và sàn Forex. "Mình bắt đầu lại từ con số 0 như cách đây hơn 10 năm khi mình mới tham gia vào lĩnh vực tài chính", Khang nói trong lúc chăm chú vào màn hình trước mặt.
Ngày ngủ + đêm thức = thất nghiệp
Chưa được công nhận tại Việt Nam
Hiện nay ở Việt Nam, các sàn Forex chưa được công nhận là kênh đầu tư và cũng chưa có quy định cho phép các công ty đăng ký làm đại lý chính thức cho các sàn Forex nước ngoài. Vì vậy, các sàn Forex đều hoạt động dưới danh nghĩa công ty tư vấn đầu tư hay công ty ủy thác đầu tư... Để thu hút NĐT tham gia, hầu hết các sàn Forex quốc tế không thu phí môi giới mà chỉ hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán khi giao dịch (phí Bid/Ask hay Spread). Trong khi đó nhiều sàn Forex tại VN vừa thu phí môi giới lại vừa hưởng chênh lệch. Hiện phí môi giới phổ biến của nhiều sàn ở VN khoảng 30 USD/lot và phí chênh lệch từ 30 - 70 USD/lot (tùy loại hàng hóa giao dịch). Như vậy, để tham gia ở các sàn Forex tại VN có thu đủ hai loại phí trên thì khi giao dịch 1 lot, NĐT sẽ phải đóng phí tổng cộng từ 60 - 100 USD.
Một NĐT đã từng "lên bờ, xuống ruộng" với sàn Forex cho biết hầu hết những NĐT ban đầu khi tham gia sàn này đều tự tìm hiểu và cũng chỉ biết giao dịch hai chiều là mua - bán hoặc bán - mua chứ không có nhiều chiến lược như phòng thủ, giao dịch nhiều tài khoản… nên hầu như đều kẻ trắng tay, người nợ ngập đầu. Đặc biệt, rất nhiều trong số họ đã trở thành những người thất nghiệp vì bỏ việc để lao vào Forex.
Bắt đầu vào buổi sáng khi thị trường châu Á mở cửa, khoảng 15 giờ (giờ Việt Nam) thị trường châu Âu mở cửa. Đến khoảng 7 giờ 30 tối thị trường Mỹ mở cửa và đây là thời điểm sôi động nhất vì thị trường châu Âu vẫn còn đang hoạt động. Do chênh lệch múi giờ nên các NĐT trong nước phải ôm máy tính theo dõi từ khi thị trường Mỹ mở cửa cho đến giờ đóng cửa là trước 5 giờ sáng ngày hôm sau.
Nếu bận, NĐT có thể đặt lệnh chờ trước nhưng đã là dân “đánh” Forex thì hầu hết tối đến đều ôm máy tính theo dõi thị trường. "Một khi đã tham gia sẽ dễ nghiện và quên hết mọi thứ xung quanh. Ai đã nghiện game online thì sẽ hiểu cảm giác này, suốt ngày chỉ ngồi trên máy, ăn máy, ngủ máy và mơ cũng thấy giá vàng, giá ngoại tệ" - NĐT trên nhận xét.
Khang cũng cho biết, đa số các NĐT đều muốn đóng trạng thái lệnh trước 4 giờ sáng hoặc 5 giờ sáng Việt Nam (tùy theo quy định của mỗi sàn). Vì nếu để qua đêm thì sẽ phải trả swap (phí qua đêm hay nói cách khác đó là lãi vay khi sử dụng đòn bẩy tài chính). Chênh lệch múi giờ nên việc thức đêm của các NĐT đánh Forex tại Việt Nam là chuyện bình thường. Chưa kể, khi đã đặt lệnh chờ thì tâm trạng lo lắng, không biết thị trường tăng hay giảm, tài khoản của mình lời hay lỗ cũng sẽ khiến họ khó mà ngủ nổi. "Lời cũng sẽ khiến mình bồi hồi vì không biết thị trường ngày mai rồi sẽ diễn biến như thế nào và lỗ thì lại càng khó ngủ hơn” - Khang nhớ lại một thời sống chết với Forex của mình.
Các NĐT tham gia vào những sàn Forex tại Việt Nam chủ yếu là giao dịch bằng niềm tin. Họ có thể nộp tiền đồng hay USD cho những nhân viên của sàn Forex. Đặc biệt, việc nộp hay rút tiền cũng chỉ giao dịch ở quán cà phê, không có một tờ giấy biên nhận dù số tiền lên đến hàng tỉ đồng... Đó là những rủi ro rất lớn bên cạnh việc thắng thua trên sàn. Thế nhưng, điều gì khiến các sàn này vẫn hấp dẫn một số lượng không nhỏ NĐT tham gia?