Đầu tư vàng là một nhu cầu lớn đối với người dân Việt Nam. Khi hoạt động kinh doanh vàng tài khoản qua các kênh chính thức đều bị cấm, hình thức sàn vàng trái phép, sàn vàng chui tồn tại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.
“Trị” sàn chui
Ông Hoàng Huy Hà, thành viên HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận xét nhu cầu nắm giữ vàng xuất phát từ truyền thống văn hóa, thói quen của người dân. Ngay cả khi lãi suất huy động vàng rất thấp hoặc các NH ngừng huy động, người dân vẫn giữ vàng. Nhìn thấy nhu cầu này, trước thời điểm tháng 12-2009, khoảng 30 sàn được thành lập với doanh số trung bình ước khoảng 66.000 tỉ đồng/ngày.
Nhưng quy mô sàn vàng lúc đó khá nhỏ lẻ, hoạt động độc lập nên không tạo được mặt bằng thị trường thống nhất. Giá vàng trên sàn bị thao túng và cô lập với giá trong nước, thế giới; thiếu sự minh bạch, thiếu khách quan của thị trường. Các nhà đầu tư liên tục gặp rủi ro khi doanh nghiệp vừa lập sàn vừa môi giới vừa trực tiếp tự doanh…
Sàn vàng sẽ tạo ra chợ giao dịch tập trung để các nhà đầu tư tự do buôn bán trên thị trường. Ảnh: HỒNG THÚY
Đến tháng 12-2009, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động của các sàn giao dịch vàng để giải quyết tình trạng bát nháo này. Đến nay, sàn vàng chính thức đã ngừng hoạt động nhưng sàn vàng chui vẫn mọc lên rầm rộ, lách luật. Các sàn vàng chui biến tướng qua hình thức ra mắt sản phẩm đầu tư vàng vật chất, lập công ty liên doanh mở sàn vàng ở Campuchia hoặc mở tài khoản tại nước ngoài trái phép qua các phần mềm giao dịch dùng mạng internet nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan quản lý.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư thường xuyên bị thua lỗ, cháy tài khoản vì sự cố nghẽn mạng, sập mạng, còn số lượng sàn vàng trái phép không ngừng tăng lên. “Việc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia sẽ chấm dứt tình trạng kinh doanh biến tướng trái phép vàng tài khoản, đáp ứng nhu cầu của người dân và tăng sự chủ động trong kiểm soát quản lý thị trường vàng của Nhà nước” - ông Hà nhận xét.
Đem lại 4 điều lợi
Thời gian qua, câu chuyện làm sao huy động nguồn lực vàng khổng lồ trong dân (lên tới 300-500 tấn vàng) được các chuyên gia thảo luận. Một trong các giải pháp huy động vàng là thành lập sàn vàng quốc gia. TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét sàn vàng quốc gia sẽ đem lại 4 điều lợi cho NHà nước.
Đó là, Nhà nước có thể thống kê và kiểm soát việc tích trữ vàng, ngoại tệ của người dân và thu thuế từ các giao dịch vàng. Trong tình hình dự trữ ngoại tệ thấp như hiện nay, sàn vàng sẽ giảm áp lực lên tỉ giá khi xóa bỏ chênh lệch giá vàng “nội - ngoại”. NH Nhà nước có thể huy động vàng trong dân, từ đó xuất khẩu và làm tăng dự trữ ngoại hối một cách linh hoạt giữa vàng và ngoại tệ.
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng khi thành lập sàn vàng, NH Nhà nước phải trực tiếp tham gia như “người chơi” thông qua cung cấp các sản phẩm hàng hóa cho thị trường, can thiệp điều hòa cung cầu giá cả bằng cách xuất nhập khẩu vàng, thay đổi dự trữ ngoại hối. Theo một chuyên gia khác, TS Nguyễn Đại Lai, sàn vàng sẽ tạo ra chợ giao dịch tập trung để các nhà đầu tư tự do buôn bán trên thị trường.
Cần thả nổi hoàn toàn giá vàng để liên thông theo giá quốc tế và quản lý thông qua thuế xuất nhập khẩu. Sàn vàng đúng nghĩa sẽ vừa chống độc quyền vừa tạo nguồn thu cho ngân sách và không lo “chảy máu vàng” khi liên thông với thị trường quốc tế.