Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc nới tỉ lệ sở hữu (“room”) của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp tăng thanh khoản cổ phiếu, tăng huy động vốn cho thị trường, từ đó tạo cơ hội cho không ít cổ phiếu tăng giá.
Chính vì vậy, một trong những tâm điểm chú ý hiện nay của giới đầu tư là kế hoạch của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Dự thảo Quyết định về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam (thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg).
Theo đó, “room” của các nhà đầu tư nước ngoài dự kiến được tăng lên 60%, so với mức 49% như hiện nay.
Việc nới tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp tăng thanh khoản cổ phiếu, tạo dư địa tăng giá
Trước những thay đổi về chính sách liên quan đến “room” của nhà đầu tư nước ngoài, cổ phiếu của những doanh nghiệp đang kịch “room” sẽ là những cổ phiếu được giới đầu tư quan tâm hơn cả.
Đó là những cổ phiếu kỳ vọng có dư địa tăng giá nếu như quyết định nới “room” được thông qua.
Hiện nay, trong số các cổ phiếu lớn đang niêm yết, một số cổ phiếu đã kịch “room” của các nhà đầu tư nước ngoài, như VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk), FPT (Công ty cổ phần FPT), DHG (Công ty cổ phần Dược Hậu Giang), KDC (Công ty cổ phần Kinh Đô), REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh), PVI (Công ty cổ phần PVI)…
Ngoài những quy định về “room” cho khối ngoại đang được sửa đổi, các nội dung pháp lý liên quan đến cơ chế giám sát thị trường cũng đang được cơ quan chức năng đề xuất sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn.
Theo đó, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ, thay thế Thông tư 151/2009/TT-BTC đối với 2 sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.
Theo Dự thảo, hai sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam phải báo lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong vòng 72 giờ kể từ khi phát sinh sự kiện. Một số điểm được cơ quan soạn thảo đưa vào dạng bất thường gồm cảnh báo, kiểm soát và tạm ngừng giao dịch chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch tại sở giao dịch; tạm đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán.
Việc cơ quan quản đề xuất các quy định cụ thể hơn trong chế độ báo cáo được giới đầu tư kỳ vọng sẽ tăng thêm tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán, nhờ đó có thể thu hút sự tham gia của các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, đặc biệt là các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung trong các văn pháp luật ngoài ngành chứng khoán đang được soạn thảo cũng được các nhà đầu tư quan tâm do có nhiều nội dung liên hệ đến các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường chứng khoán, như các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty niêm yết...
Trong nội dung thảo luận sửa đổi Luật Doanh nghiệp, một số chuyên gia pháp luật đã chỉ ra rằng, một nguyên nhân khiến Luật Doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả là do sự triệt tiêu của các luật chuyên ngành, trong đó có Luật Chứng khoán…
Ông Đậu Anh Tuấn, quyền Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện một số luật chuyên ngành cũng điều chỉnh cả việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến sự chồng chéo. Đơn cử, Điều 59.2, Luật Chứng khoán quy định: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ”.
Không chỉ các nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh, định hướng sửa đổi Luật Doanh nghiệp còn đề cập nhiều nội dung khác có tác động trực tiếp đến các giao dịch và hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, như việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, khung quản trị doanh nghiệp, công khai và minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp.