Cà phê dạo 10.000 đồng ở Hà Nội thực chất chỉ là hình ảnh một người chở thùng xốp sau yên xe máy hoặc xe đạp điện, xe đạp, dạo qua các tuyến phố. Bên trong thùng đựng đá và cà phê đặc pha sẵn đóng trong những vỏ chai nhựa 1,5 lít, mấy hộp sữa đặc, dụng cụ đánh cà phê và chồng cốc nhựa sử dụng một lần. Người uống cà phê dạo cũng đủ thành phần, từ người buôn bán, khách du lịch trong và ngoài nước đến dân văn phòng…
Cách thức kinh doanh đơn giản nhưng nhờ xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội, chất lượng đồ uống ngon, giá rẻ, phục vụ tận nơi, chuỗi cà phê này của anh Thời nhanh chóng được khách thủ đô ủng hộ. Ông chủ chia sẻ để có được ngày hôm nay, anh đã trải qua không ít đắng cay trong suốt 20 năm theo nghề bán rong.
Chị Hạnh, chủ một sạp hàng hoa quả trên phố Gia Ngư đã uống cà phê của anh Thời 2 năm nay, chia sẻ: “Không biết bác ấy bỏ gì vào cà phê mà ngon đến vậy. Ngày nào cũng có vài hàng cà phê dạo đi qua phố này nhưng chúng tôi chỉ mua cà phê của anh vì giá rẻ, cà phê thơm và đậm vị chứ không nhạt nhẽo, bị pha tạp như nhiều hàng khác”.
Sở hữu 5 ha cà phê vẫn nghèo
Trần Hữu Thời sinh năm 1974 tại Nghĩa Hưng, Nghĩa Thái, Nam Định trong gia đình làm ruộng, nghèo khó. Do muốn thoát nghèo, năm 20 tuổi, anh ra Hà Nội học làm tào phớ, bán hàng rong nhưng không đủ sống.
Năm 1998, theo phong trào vào Tây Nguyên lập nghiệp, anh rủ anh họ cùng hùn vốn, vay mượn thêm họ hàng được 350 triệu đồng mua 5 ha đất trồng cà phê ở Đắk Lắk với hy vọng đổi đời. “Ai ngờ sau 3 năm trồng cà phê, từ năm thứ 4 mới bắt đầu thu hoạch được. Cả năm chỉ trông vào một vụ mà đúng vụ thì cà phê lại mất giá. Lời lãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy lỗ” - anh Thời chia sẻ.
Sau 9 năm bám trụ với đất Tây Nguyên nhưng không có thu nhập, anh Thời chia việc chăm sóc vườn cà phê 5 ha cho anh họ rồi vào TP HCM bán cà phê dạo với giá 5.000 – 7.000 đồng/ly.
Tại TP HCM, dù mỗi ngày bán được hàng chục lít cà phê - mức cao nhất mà những người bán dạo đạt được - anh vẫn nản do lãi thu về cũng không được bao nhiêu, bởi loại đồ uống này quá phổ biến. Do đó, anh quyết định chuyển ra Hà Nội, sau nửa năm bám trụ ở Sài Gòn.
Chủ chuỗi cà phê dạo có nhân viên là thạc sĩ, cử nhân
Anh Thời cho biết, năm 2006, anh là người bán cà phê dạo đầu tiên ở Hà Nội. Thời gian đầu, để tiếp thị, anh đi mời uống miễn phí tới khách hàng trong khu phố cổ. Không những không uống, khách Hà Nội còn chê cà phê anh bán là hàng rẻ tiền.
“Ngày ấy, người dân nghĩ cà phê chỉ bán trong các cửa hàng sang trọng hoặc hàng giải khát trên mặt phố. Lần đầu thấy loại đồ uống này bán rong, giá lại chỉ 10.000 đồng/ly nên chê hàng của tôi" - anh kể. Tuy nhiên, anh cứ rót cà phê bỏ đó. Quả nhiên, sau tuần đầu tiên mời cà phê miễn phí, anh đã có lượng khách hàng đầu tiên và số lượng hàng bán ra tăng lên nhanh chóng.
Ý định về thương hiệu được anh nảy ra khi một lần nghe khách quen chia sẻ “khi đi du lịch xa lại nhớ cà phê của Thời”. Từ đó, anh in tên lên trên thùng xốp kèm số điện thoại để khách hàng dễ dàng liên lạc mỗi khi thèm loại đồ uống này. Vậy là thương hiệu cà phê "ê mông" mang tên anh ra đời.
Hơn một năm sau, anh Thời rủ thêm anh em họ hàng cùng quê ra Hà Nội và đón vợ con ra ở cùng. Số lượng khách hàng ngày càng tăng, phục vụ không xuể, người xin bán cà phê Thời tìm đến cũng ngày một đông, anh liền phân công cho vợ thuê thêm 2 nhân viên ở nhà pha, còn anh tập trung vào việc huấn luyện những thành viên mới gia nhập đội cà phê dạo của mình. Với mỗi thành viên mới, anh đều yêu cầu dán nhãn, trưng biển thương hiệu và tuân thủ sự phân công theo từng khu vực bán hàng.
Tới nay, chuỗi cà phê dạo của anh đã có 40 người tham gia bán, đều có thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ, trong 40 nhân viên của mình, có nhiều người là thạc sĩ, cử nhân, nhưng người vì khó khăn kinh tế, người đã nghỉ hưu nên tìm tới anh xin gia nhập đội cà phê.
Mỗi ngày, một người bán được 7 - 10 lít cà phê, tương ứng với hơn 1.200 ly. Thi thoảng khách quen nhớ anh chủ hàng rong, gọi điện hỏi thăm anh, anh lại phóng xe cà phê điện tới pha cho khách.
Anh Trần Hữu Hùng (KĐT Xa La, Hà Đông), cháu anh Thời, đang được chú đào tạo kỹ năng bán hàng và chuyển lại xe cà phê cho sử dụng. Anh Hùng chia sẻ anh là cử nhân Mỏ - Địa chất nhưng do không xin được việc nên đi xuất khẩu lao động tại Lào. Đồng lương công nhân ở Lào thấp, môi trường làm việc vất vả, anh Hùng về nước, xin theo học nghề chú.
“Lúc đầu đi bán dạo cũng ngại nhưng sau tôi thấy trong đội có nhiều người hoàn cảnh tương tự như mình nên thấy cũng vui vẻ. Thậm chí có anh nhà 3 tầng ở nội thành, tối phóng SH đi chơi nhưng sáng sớm vẫn tới lấy cà phê đi bán dạo. Nghề lao động chân chính, có thu nhập, tại sao phải ngại làm!” - anh bày tỏ.
Chị Hoa, vợ anh cho biết mỗi ngày chị và 2 nhân viên pha ít nhất 200 lít cà phê vào sáng sớm và chiều tối rồi đóng chai 1,5 lít cho 40 người mang đi bán khắp Hà Nội. Cà phê được chị pha bằng những phin lớn, mỗi phin cho ra 1,5 lít cà phê/ lượt, mỗi lượt pha như vậy là 600g bột cà phê được pha chế theo công thức riêng giá 200.000 đồng/kg.
Cà phê được sơ chế tại vườn của gia đình ở Tây Nguyên và chuyển ra Hà Nội. Ngoài bán cà phê dạo pha sẵn, anh Thời còn bán cà phê bột với nhiều mức giá 100.000 - 700.000 đồng/kg.
Anh Thời chia sẻ yếu tố sống còn trong công việc của mình là luôn giữ nguyên chất lượng cà phê, quyết không vì lợi nhuận trước mắt mà cho ra những ly đồ uống pha tạp, nhạt nhẽo. Nhờ khai thác thành công thị trường Hà Nội, hiện 5 ha vườn cà phê tại Tây Nguyên của gia đình anh đã có nơi tiêu thụ hết.
Nhìn vợ pha cà phê trong tầng thượng của căn nhà 3 tầng thuê tại phố Thanh Lương (Hà Nội), anh Thời chia sẻ dự định sắp tới, khi có đủ tiền, anh sẽ mua một mảnh đất để cả nhà có chỗ an cư ở thủ đô – ước mơ vài năm trước chưa bao giờ anh dám nghĩ tới.
“Tôi chỉ là nông dân, không được ăn học đến nơi đến chốn, từng chỉ mong kiếm kế sinh nhai không ngờ nay lại tìm được hướng phát triển kinh tế cho gia đình và giúp được nhiều người có công ăn việc làm tốt. Niềm vui ấy không gì sánh nổi” - anh Thời tâm sự.