Tiền nhiều chưa từng có
Ngày 20-2, TTCK chứng kiến giao dịch cao kỷ lục mọi thời đại với gần 5.500 tỉ đồng được chuyển nhượng. Trong 5 phiên giao dịch trước đó, giá trị giao dịch đều đạt mức mơ ước 3.000 tỉ đồng/phiên, so với mức bình quân 1.400 tỉ đồng trong năm 2013. Tính chung trong một thời gian ngắn, hàng chục ngàn tỉ đồng giá trị cổ phiếu đã được chuyển nhượng, trị giá cả tỉ USD.
Sự điều chỉnh đã diễn ra hôm 20-2 với rất nhiều mã cổ phiếu giảm giá nhưng sự sôi động chưa từng có trong nhiều năm gần đây, sự xối xả của dòng tiền đổ vào suốt từ cuối 2013 đầu 2014 tới nay cũng kịp giúp thị trường bứt phá thêm khoảng 10% sau khi đã leo dốc 20% trong năm liền trước.
Giới đầu tư rất lạc quan trong khi các công ty chứng khoán (CTCK) cũng như nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đang bước vào giai đoạn tăng trưởng. Phiên giảm 20-2 là điều chỉnh kỹ thuật.
Ông Hang Jin Yun, Giám Đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (KIS), chuyên gia tư vấn tài chính cho nhiều tổ chức tài chính lớn như Samsung, Temasek, cho rằng TTCK đang rất tích cực, VN-Index sẽ tăng lên mức 650 - 700 điểm vào cuối năm. Sự điều chỉnh là tất yếu và mức điều chỉnh giảm trong ngày 20/2 không đáng bao nhiêu so với số điểm đã tăng từ đầu năm đến nay.
Ông Minh Phương, trưởng phòng phân tích của Công ty KIS cũng nhận định, sự điều chỉnh hôm 20/2 chỉ là điều chỉnh kỹ thuật còn về trung hạn đến tháng 3, tháng 4, thị trường sẽ bình thường.
Công ty chứng khoán FPTS nhìn nhận động thái sụt giảm mạnh hôm 20-2 mang dáng dấp của hiện tượng phân phối đỉnh ngắn hạn, thị trường vẫn sẽ có nhiều kỳ vọng phục hồi trở lại, nhất là khi khối ngoại vẫn đang mua ròng tích cực và sức cầu trên thị trường vẫn rất mạnh.
Công ty Chứng khoán Maritime Bank đánh giá, giá trị giao dịch lớn cho thấy lượng tiền mới không nhỏ tham gia vào thị trường và dòng tiền nóng vẫn chạy xoay vòng giữa nhiều nhóm cổ phiếu trước khi thị trường có sự bứt phá về điểm số trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy thời gian gần đây dòng tiền đã chọn chứng khoán như một kênh đầu tư hấp dẫn nhất, trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn được dự báo còn giảm giá, vàng vẫn chênh vênh ở mức cao sau chu kỳ 10 năm tăng giá và thế giới dần ra khỏi khủng hoảng, ngoại tệ ổn định, lãi suất ngân hàng giảm mạnh, ngân hàng thừa tiền, sức cầu nền kinh tế thấp...
Đại gia hưởng lộc đầu năm
Chưa biết TTCK sẽ tăng đến đâu trong năm nay nhưng sự vững vàng của VN-Index ở các đỉnh cao mới và khối lượng giao dịch được duy trì với giá trị rất lớn đang được kỳ vọng sẽ giúp thị trường hồi phục vững chắc.
Với nhiều đại gia, nếu như trong những quý cuối 2012 và nửa đầu 2013 họ bốc hơi, thủng túi hàng chục tỉ đồng mỗi ngày, mất tổng cộng hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng thì cuối 2013 đầu 2014 lại chứng kiến túi tiền phình lên cả trăm tỷ đồng mỗi ngày.
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chứng kiến cổ phiếu HAG tăng 4.300 đồng/cp trong khoảng thời gian từ đầu năm tới nay, tương đương tổng tài sản tăng thêm 1.340 tỉ đồng .
Ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất trên TTCK, có tài sản cá nhân tăng thêm hơn 2.400 tỉ đồng lên hơn 22.300 tỉ đồng. Nếu tính cả những người liên quan, tài sản của nhóm này tăng thêm hơn 4.200 tỉ đồng lên gần 39.000 tỉ đồng.
Rất nhiều đại gia khác cũng chứng kiến tài sản tăng thêm vài trăm tỉ đồng như ông Trần Đình Long (HPG), ông Lê Phước Vũ (HSG), ông Trầm Bê, ông Nguyễn Đăng Quang...
Trên thực tế, không ít doanh nhân lại chẳng hề ngó ngàng tới biến động giá cổ phiếu.
Ông Lê Phước Vũ cho biết ông quan tâm tới sự cạnh tranh - nền tảng cho sự phát triển, tới quy trình sản xuất, tới kênh phân phối, tới thương hiệu mạnh, thân thiện và hướng đến cộng đồng, tới hệ quản trị chuyên nghiệp và văn hoá doanh nghiệp (DN)... hơn là việc cổ phiếu tăng giá. Giá cổ phiếu tăng phải do DN vững, tăng trưởng tốt.
Trong năm 2013, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, khá nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng như: HSG, HPG, TCM, VNS, REE... Và tất nhiên, khi TTCK sôi động, các cổ phiếu này tiếp tục tăng giá mạnh, giúp túi tiền của các doanh nhân nở thêm hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, khi TTCK sôi động cũng là lúc dòng tiền đua nhau chảy vào cả các cổ phiếu của các DN làm ăn chưa thực sự tốt, làm ăn yếu kém, thậm chí làm ăn không đàng hoàng, theo kiểu chụp giật.
Thực tế gần đây TTCK chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ của hàng loạt các cổ phiếu của hầu hết các ngành, bất chấp lĩnh vực mà các DN hoạt động có khó khăn hay triển vọng chưa sáng sủa như ngân hàng hay bất động sản, các lĩnh vực còn đối mặt với khối nợ xấu rất cao và chưa có tín hiệu khởi sắc thực sự.
Mặc dù vậy, giới đầu tư gần đây cũng khá cảnh giác với các cổ phiếu nóng, cổ phiếu có sóng, cổ phiếu của các ông chủ đã có "vết" trên thị trường, nhất là những DN tranh thủ phất lên nhờ sức nóng của TTCK, tăng vốn chóng mặt gấp vài ba cho tới cả chục lần trong một thời gian rất ngắn, nhưng sau đó không quan tâm nhiều tới lợi ích của cổ đông bỏ tiền ra. Không ít DN sau khi cầm tiền cổ đông rút lui vào hoạt động bí mật, thông tin ít dần tới công chúng, hoạt động thua lỗ, thậm chí rời sàn, mua lại cổ phiếu với giá rẻ.
Nhiều cổ phiếu thuộc loại nói trên khá yếu trong giai đoạn sôi động vừa qua. Tuy nhiên, khi TTCK lên hương, sôi sục với tình trạng người người, nhà nhà đổ tiền vào chứng khoán, rất có thể kịch bản vơ bèo vạt tép sẽ lại xảy ra, cổ phiếu ruồi, cổ phiếu rau muống, cổ phiếu lởm sẽ đều tăng giá. Và khi TTCK trầm lại, các NĐT lại truyền cho nhau viên than nóng bỏng. Người thua thiệt cuối cùng vẫn là họ, không phải các ông chủ nắm rõ tình hình của DN.