Sau giai đoạn lình xình và đi ngang ở buổi sáng, thị trường ồ ạt lao dốc ở buổi chiều khi lực mua quá yếu còn bên bán lại mất kiên nhẫn. Lệnh bán mạnh và dứt khoát ở nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 và HNX30 như BVH, FPT, VIC, MSN, HSG, HPG, DPM rồi đến SHB, PVX, SCR, KLS, VCG, PVS, VND... Lực bán mạnh đến nỗi nhiều mã trong số này chạm sàn ngay trong phiên.
Lệnh bán lan nhanh đến nhiều mã cổ phiếu lớn nhỏ khác trên sàn. Nhiều nhà đầu tư lo sợ áp lực giải chấp từ các công ty chứng khoán nên cũng đẩy mạnh bán ra bất chấp lời lỗ. Kết cục, gần 230 mã cổ phiếu ở sàn HoSE giảm giá, trong đó có 26 mã thuộc nhóm VN30 làm cho VN-Index 7,72 điểm, tương ứng 1,31% xuống còn 583,85 điểm, thấp nhất kể từ 10-3 đến nay.
Ở sàn HNX, bảng điện tử có đến 210 mã giảm giá, trong đó 28 mã thuộc nhóm HNX30 rớt mạnh, chỉ có 2 mã đứng giá. Điều này khiến HNX-Index giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 3 với 2,95 điểm, tương đương 3,3%, chốt tại 86,49 điểm.
Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 173 triệu cổ phiếu, trị giá 2.831 tỉ đồng. Trong đó, ITA dẫn đầu với hơn 21 triệu cổ phiếu, tiếp đến là FLC với hơn 10,7 triệu cổ phiếu. Điểm đáng chú ý là FLC tăng trần (900 đồng) với lực mua rất mạnh bất chấp thị trường giảm điểm. HAG cũng đi ngược thị trường sau khi công bố kế hoạch kinh doanh năm 2014 với nhiều tham vọng, cổ phiếu này tăng 300 đồng và giao dịch đạt 6,5 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn.
Trong khi những cổ phiếu bất động sản khác như HQC, DLG, HAR, IJC, MCG... có khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị nhưng giá giảm rất mạnh.
Tại sàn Hà Nội, khối lượng giao dịch đạt 114,75 triệu cổ phiếu, trị giá 1.315,24 tỉ đồng. Những cổ phiếu SHB, PVX, SCR có khối lượng hơn chục triệu đơn vị mỗi mã, đồng thời giá giảm rất mạnh.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu chứng khoán như BVS, ORS, APS, VIG, SHS, VND, KLS... đồng loạt giảm sâu sau khi đi ngược thị trường ở phiên trước.
Như vậy, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, VN-Index đã có 4 phiên giảm, 2 phiên tăng, mất 23,7 điểm. Còn HNX-Index có 5 phiên giảm, 1 phiên tăng, mất 6,5 điểm.
Các chuyên gia lẫn giới đầu tư đều tỏ ra kém lạc quan, thậm chí lo sợ về xu hướng của thị trường trong những ngày tới. Ông Lê Đức Khánh Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime Bank ( MSBS ) cho rằng thị trường không thể vượt được mốc 610 điểm nên việc điều chỉnh giảm là tất yếu. Tuy nhiên, điều khó đoán là “thị trường sẽ điều chỉnh trong bao lâu”.
Với cái nhìn xa hơn, các chuyên gia khác cho rằng thị trường có khá nhiều rủi ro cho nhà đầu tư ở tháng 4. Các chỉ số, cũng như giá cổ phiếu sẽ tiếp tục điều chỉnh và đi ngang trước khi bứt phá nhờ những thông tin tích cực hơn. Ông Phan Dũng Khánh – Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) khuyên nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục trong tháng 4, chốt lời với những cổ phiếu đã có lãi và tránh sử dụng Margin (ký quỹ) để giảm thiểu rủi ro.