Cây bắt mồi (tên khoa học Nepenthes mirabilis) là một loại cây đặc biệt. Thay vì ra hoa, cây lại mọc những chiếc bình hình thù như ấm nước có nắp đậy và có khả năng bắt, tiêu diệt côn trùng.
Cung không đủ cầu
Quy trình bắt mồi của loài cây này khá thú vị. Phía đầu nắp ấm của cây bắt mồi tiết ra một loại chất lỏng giống như mật có khả năng thu hút kiến, gián, sâu, bọ... Sau khi ăn phải mật, chúng ngã vào ấm và không thể bò hoặc bay ra ngoài. Khoảng một tuần tiếp theo, côn trùng sẽ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng để nuôi cây.
Côn trùng bị nhốt lại rồi trở thành phân bón cho cây
Giới sinh vật cảnh TP HCM cho biết, cây bắt mồi dạng nắp ấm phát triển mạnh ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Riêng tại Việt Nam xuất hiện giống lai Mirabilis có thể trồng tại hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước.
Nhận thấy việc kinh doanh cây bắt mồi có tiềm năng lớn, anh Võ Nhật Phương (sinh năm 1991) quyết định nghỉ việc ở công ty để mở vườn ươm cây tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Mỗi ngày Phương tất bật cho việc đóng gói, vận chuyển hàng đến khắp nơi để tiêu thụ. Có thời điểm vườn ươm cây bắt mồi của Phương không đủ hàng để cung ứng ra thị trường vì sức mua của người dân ngày càng tăng.
Theo anh Phương, trước năm 2010, một số trang mạng đăng tải nhiều thông tin không đúng sự thật. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng cây bắt mồi là loại cây ngoại lai gây dị ứng, độc hại môi trường. Nhưng qua nhiều năm nghiên cứu, nuôi trồng anh Phương nhận thấy chúng chỉ là cây kiểng. Khi thiếu chất dinh dưỡng chúng mới bắt mồi. Từ năm 2013, phong trào nuôi loài cây này bắt đầu nở rộ, đặc biệt là giới trẻ. “Hiện trên mạng xã hội xuất hiện hàng chục diễn đàn chuyên kinh doanh, trao đổi kỹ thuât nuôi cây bắt mồi, trong đó có hàng chục nghìn thành viên”, anh Phương cho biết.
Đến vườn cây kiểng của anh Lê Hữu Phú (huyện Hóc Môn) chúng tôi ghi nhận có đến với 70% diện tích đất được trồng cây bắt mồi. Anh Phú cho hay mỗi ngày anh cung cấp cho thị trường trên 60 cây giống, với giá bán 40.000-60.000 đồng/cây, thu về gần 2,4 triệu đồng/ngày. Sau khi trừ chi phí, anh lãi được 1,2-1,6 triệu đồng/ngày.
Kinh doanh khấm khá
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phú tiết lộ: Cây bắt mồi dễ chăm sóc, không dùng phân bón, chỉ có thể tưới nước là cây sống khỏe. Về việc nhân giống, chỉ cần tách nhánh, gieo xuống chậu kiểng là có thể phát triển lên cây con, lại không tốn nhiều công sức, phân bón. Vì thế, người nên ươm giống cây này rất dễ sinh lời.
Theo bà Lê Bích Liên- một người chơi cây bắt mồi, khi xem chương trình truyền hình nói về những loài cây ăn thịt ở Nam Mỹ bà rất tò mò muốn “tậu” về vài cây đề chơi cho vui. “Sau khi biết ở Việt Nam có nhiều giống cây tương tự, tôi đã tìm hiểu, thu thập thành bộ sưu tập cây ăn côn trùng. Bạn bè đến nhà chơi nhìn thấy những cây kiểng này rất thích thú”, bà Liên nói.
Theo ông Trần Hùng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cây bắt mồi tại TP HCM, không ít thành viên của CLB đã khá lên nhờ việc kinh doanh loại cây độc đáo này. Bởi chỉ cần 4-5 tháng tưới nước cây con đã ra nắp ấm, người ươm cây có thể bán được với không dưới 40.000 đồng/cây.