VnMoney
29/07/2019 09:34

Cấu trúc lợi nhuận ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn

Lãi suất có xu hướng tăng không hẳn do chính sách siết lại, mà chịu tác động lớn hơn từ thay đổi cấu trúc lợi nhuận các ngân hàng. Rủi ro tiềm ẩn ở đây.

Trò chuyện bên lề với BizLIVE gần đây, trưởng phòng quản lý nguồn vốn hội sở chính một ngân hàng thương mại nói vui: “Doanh nghiệp Việt Nam quá giỏi! Bối cảnh hiện nay càng cho thấy điều đó”.

Cấu trúc lợi nhuận ngân hàng và rủi ro tiềm ẩn - Ảnh 1.

Rủi ro tiềm ẩn không trực tiếp ở hoạt động ngân hàng và nợ xấu, mà ở chi phí của nền kinh tế trong vay vốn cho tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh, khi mà bên ngoài yếu tố cạnh tranh đang thay đổi với loạt ngân hàng trung ương hạ lãi suất.

Việt Nam có trở thành ốc đảo?

Từng nhiều năm trực tiếp kinh doanh ngoại tệ, dù đã lên làm quản lý và không “tham chiến” thường ngày như trước, nhưng ông vẫn giữ thói quen thường xuyên theo dõi diễn biến các đồng tiền gần như từng giờ.

“Hơn một năm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, rồi sau loạt 4 lần trong năm 2018 Fed tăng lãi suất, nhiều đồng tiền trong khu vực và trên thế giới mất giá. Đồng tiền của ta vẫn ổn định, gần đây còn lên giá mạnh. Khi mình ổn định mà người ta mất giá thì có thể xem mình lên giá. Tất nhiên chính sách tiền tệ của Việt Nam đa mục tiêu, đang hạn chế nói về chuyện phá giá, nhưng thực tế là ở khía cạnh giá trị nội tệ như vậy thì doanh nghiệp xuất khẩu vất vả thêm”, vị trưởng phòng nói trên phân tích.

Ở khía cạnh tỷ giá là vậy, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải vay vốn với lãi suất ở mức cao trong khu vực.

“Nhìn ở khía cạnh tỷ giá và lãi suất vay vốn, trong bối cảnh nhiều nước hạ giá đồng tiền và giảm lãi suất, doanh nghiệp Việt Nam quá giỏi vì trong điều kiện không thuận lợi bằng mà xuất khẩu vẫn đạt tăng trưởng cao, tăng trưởng GDP của ta cũng ở nhóm hàng đầu thế giới”, ông nói thêm.

Không cần lùi xa, ngay trong tuần qua, các quốc gia gần gũi như Hàn Quốc, Indonesia vừa quyết định giảm lãi suất. Nhìn đến quốc gia lớn hơn như Nga, lãi suất cũng vừa giảm. Hay một nền sản xuất rộng lớn như Ấn Độ, quyết định tương tự cũng vừa thực hiện.

Diện rộng, chỉ vài tháng trở lại đây, đã có cả chục ngân hàng trung ương trên thế giới quyết định giảm lãi suất, thậm chí có những trường hợp giảm tới 2-3 lần. Xu hướng này chưa dừng lại, mà gần nhất là kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào giữa tuần tới.

Trong một xu hướng mở rộng đó, Việt Nam có trở thành một ốc đảo hay không?

Thực tế, từ cuối năm 2018 lãi suất huy động VND có xu hướng tăng, và gần đây tiếp tục có xu hướng tăng thêm. Mặc dù các ngân hàng lớn chi phối thị phần huy động vẫn có mặt bằng thấp, nhưng trong hệ thống đã có nhiều hơn các thành viên và các loại kỳ hạn có lãi suất huy động trên 8%/năm.

Khi lãi suất huy động vẫn có xu hướng tăng lên, lãi suất cho vay càng khó giảm. Doanh nghiệp Việt Nam vay vốn càng trở nên “giỏi” khi so sánh cạnh tranh với thế giới bên ngoài.

Lợi nhuận ngân hàng và áp lực từ thay đổi cấu trúc

Từ một năm trước, khi nói về chỉ tiêu kinh doanh năm nay, lãnh đạo một ngân hàng thương mại từng đặt ngược lại câu hỏi với một số phóng viên rằng: thử tính xem, vốn điều lệ chỉ tăng khoảng 10%, tổng tài sản chỉ tăng khoảng 15%, tín dụng giới hạn tăng 14%, nguồn huy động tăng 14-16%..., vậy làm sao mà giải được yêu cầu tăng trưởng lợi nhuận cỡ 25 - 30% mỗi năm?

Lãnh đạo ngân hàng trên thừa nhận có áp lực một cuộc đua về lợi nhuận. Ngân hàng A tăng trưởng 20%, ngân hàng B cùng tương đồng so sánh vì sao thấp hơn hoặc làm sao để cao hơn? Cổ đông, thậm chí hội đồng quản trị cũng đòi hỏi trong so sánh đó như một mục tiêu để phấn đấu.

Song, những năm gần đây nhiều ngân hàng vẫn trả lời gọn các câu hỏi trên. Họ có giải pháp để tạo những mức tăng trưởng lợi nhuận cao.

Đó là kết quả của đầu tư và tập trung cho mảng dịch vụ những năm trước; “mùa vàng” phí hoa hồng bảo hiểm vẫn đang kéo dài và gia tăng; nợ xấu xử lý được và hoàn nhập dự phòng hoặc bớt chi phí dự phòng… Nhưng nổi bật nhất là thay đổi lớn trong cấu trúc tạo lãi.

Lãi suất có xu hướng tăng nói trên, có nhiều thông tin lý giải từ áp lực Ngân hàng Nhà nước siết giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Nhưng, nhìn sâu hơn, đó không hẳn là nguyên do.

Thực tế, BizLIVE tiếp cận tại một số thành viên như TPBank, VPBank, MSB…, hai năm gần đây họ thậm chí còn quá dư thừa giới hạn trên, chỉ khoảng 22-28%, trong khi cơ chế cho phép tới 40%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng cho thấy tỷ lệ này bình quân nằm rất sâu dưới ngưỡng cho phép.

Sức ép đối với lãi suất tập trung hơn ở thay đổi trong cấu trúc tạo lãi. Đó là hầu hết các ngân hàng thương mại đều dịch chuyển mạnh và gia tăng nhanh tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân, tín dụng bán lẻ.

Hiện báo cáo tài chính quý 2/2019 chưa kiểm toán và chưa tách bạch cấu trúc cho vay tại nhiều thành viên, nhưng nhìn ngược lại cuối 2018 dễ dàng nhận thấy thay đổi lớn. Tại một số ngân hàng điển hình và quy mô lớn, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân thậm chí đã tăng gần gấp đôi chỉ sau một năm.

Hoặc các cập nhật chuyên ngành gần đây cho thấy, ngày càng có nhiều hơn số ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân tăng cao, vượt trên mốc 50% tổng dư nợ. Và nhìn ngược về quá khứ, trước đây họ chỉ duy trì cấu phần này khoảng 25-30% mà thôi.

Thay đổi cấu trúc trên góp phần giải bài toán áp lực lợi nhuận. Vì cho vay cá nhân có lãi biên cao hơn, mà đi kèm còn bán chéo được các sản phẩm dịch vụ như một tích hợp bắt buộc khi cho vay, điển hình như bảo hiểm, để tăng thu ngoài lãi.

Bản thân ngân hàng cũng phân tán được rủi ro ở hướng đi trên: nguồn vốn chia từng món nhỏ, trải ra theo số lượng nhiều khách hàng cá nhân. Nhưng, rủi ro lại tiềm ẩn đối với nền kinh tế, thể hiện ở áp lực đối với lãi suất - chi phí của nền kinh tế trong tiêu dùng và sản xuất, kinh doanh.

Đặc điểm lớn của cho vay khách hàng cá nhân là nhu cầu mua nhà, ô tô, với kỳ hạn dài, phổ biến 3-5 năm, thậm chí 10 năm và hơn nữa. Đó là những khoản vay trung dài hạn.

Với tỷ trọng cho vay cá nhân tăng lên nhanh chóng như trên, lượng vốn lớn đẩy vào tương lai xa mới đáo hạn dần, trong khi cấu phần chính của vốn huy động vẫn là ngắn hạn. Cho vay trung dài hạn càng lớn, áp lực cân đối nguồn càng lớn. Nó được giải tỏa bằng lãi suất huy động tăng lên để gia cố nguồn trung dài hạn đối ứng.

Và gần đây, một xu hướng mới đang hình thành: một số ngân hàng thương mại đã và đang ra nước ngoài tìm vốn bằng trái phiếu dài hạn. Ở kênh này, lãi suất trên 6%/năm, cộng với rủi ro tỷ giá hàng năm, chi phí cũng không hẳn là rẻ, mà qua đó khi cho vay lại lãi suất cũng khó mềm.

Vậy nên, “bỏ qua” lạm phát của Việt Nam đang nối dài nhiều năm liền nằm dưới vùng 4 - 5%, lãi suất vẫn không giảm thêm mà còn có xu hướng tăng nói trên.

Nhìn ra bên ngoài, bên cạnh yếu tố tỷ giá, khi hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất như vậy, nhìn về Việt Nam thì thấy doanh nghiệp cũng như người dân vay vốn vẫn đang “giỏi”.

Theo Minh Đức (Bizlive)

Viết bình luận

Mở thêm chi nhánh tại Thủy Nguyên, HDBank góp động lực thực hiện mục tiêu lớn của TP Hải Phòng

Mở thêm chi nhánh tại Thủy Nguyên, HDBank góp động lực thực hiện mục tiêu lớn của TP Hải Phòng

Ngân hàng 14:48

Chi nhánh mới của HDBank đi vào hoạt động sẽ góp thêm động lực cho mục tiêu xây dựng và phát triển một thành phố mới trong tương lai gần tại Thủy Nguyên và Hải Phòng.

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỉ đồng

HDBank cho vay thời hạn lên đến 50 năm với hạn mức lên đến 50 tỉ đồng

Ngân hàng 14:48

Chương trình “Cho vay linh hoạt” của HDBank tiếp sức cho khách hàng đang có nhu cầu mua bất động sản, xây dựng, sửa nhà và tiêu dùng.

Hé lộ bộ vật phẩm hữu dụng dành cho vận động viên của Ho Chi Minh City

Hé lộ bộ vật phẩm hữu dụng dành cho vận động viên của Ho Chi Minh City

Nhịp sống 12:35

Hiểu được tâm lý và nhu cầu của các vận động viên, ngoài những thông tin quan trọng cho giải đấu, Ban tổ chức đã chuẩn bị một bộ vật phẩm đầy tâm huyết, đáp ứng mọi nhu cầu thiết yếu trong suốt hành trình chinh phục màn đêm Sài Gòn lung linh.

Khám phá thành phố lung linh qua cung đường chạy “di sản”

Khám phá thành phố lung linh qua cung đường chạy “di sản”

Nhịp sống 12:35

Đắm chìm trong hành trình chạy bộ độc đáo, đưa bạn qua những địa danh lịch sử và kiến trúc tiêu biểu của thành phố, góp phần gìn giữ và lan tỏa giá trị di sản văn hóa là những gì mà các cung đường chạy tại Ho Chi Minh City Night Run Eximbank muốn mang đến cho tất cả vận động viên tham gia thi đấu.

Tỉnh Đồng Tháp chào hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm làm từ sen tại TP HCM

Tỉnh Đồng Tháp chào hàng mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm làm từ sen tại TP HCM

Doanh nghiệp 11:05

(NLĐO)- Trong khuôn khổ Tuần hàng sen Đồng Tháp, ban tổ chức sẽ kết nối với các đối tác cung ứng để tiêu thụ sản phẩm sen Đồng Tháp; hoạt động giới thiệu, trải nghiệm sản phẩm từ sen Đồng Tháp với các đối tác, khách hàng tại TP HCM…

500 thương hiệu tham gia Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam 2024

500 thương hiệu tham gia Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam 2024

Tiêu dùng 11:03

Triển lãm Quốc tế Giấy và Bao bì Việt Nam – VPPE 2024 do Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Hiệp hội Bao bì Việt Nam và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam chủ trì tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 10 - 5 - 2024 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế WTC Expo (A19 Hùng Vương, Phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một,

Tổ chức sàn giao dịch việc làm cho lao động ở Phú Nhuận

Tổ chức sàn giao dịch việc làm cho lao động ở Phú Nhuận

Nhịp sống 07:54

Sàn giao dịch việc làm thu hút 40 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 10.537 vị trí.