Tại tọa đàm "Bình thường mới - Tìm kênh đầu tư hiệu quả" do Báo Đầu tư tổ chức ngày 12/11, các chuyên gia đã lên tiếng về việc tìm giải pháp khắc phục cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khó khăn do đại dịch.
LÃI SUẤT CHO VAY VẪN CAO, SỨC CẠNH TRANH SẼ BỊ ẢNH HƯỞNG
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nguồn lực và khả năng chống chịu trước những khó khăn của doanh nghiệp đã suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc chấm dứt kinh doanh. Trong bối cảnh khi hầu hết doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận và thua lỗ, các biện pháp về giảm thuế thu nhập nhìn chung không có tác động lớn như kỳ vọng.
"Cái khó khăn và cần nhất với doanh nghiệp lúc này là hỗ trợ vốn thực để duy trì sản xuất kinh doanh liên tục, song đến nay ngoài các chính sách về thuế, phí và biện pháp từ các tổ chức tín dụng thì Nhà nước chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ tài chính đủ lpwns như bảo lãnh tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi có mục tiêu, tăng vốn cho doanh nghiệp nhà nước… để doanh nghiệp có được nguồn vốn cần thiết", ông Tú Anh tâm tư.
Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
Do vậy, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, ông Tú Anh cũng cho rằng cần nghiên cứu, xây dựng và triển khai gói kích thích mới để thực hiện ngay từ quý 4 này nhằm miễn giảm thuế đối với một số ngành, đối tượng, khuyến khích mở rộng đầu tư tư nhân và nước ngoài, hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực chủ chốt, thiết yếu, kích thích tiêu dùng trong nước…
Về chính sách tài khóa, cần tận dụng thời kỳ lãi suất thấp, thanh khoản thị trường dồi dào để bổ sung lại nguồn vốn đầu tư công, thay thế nguồn vốn vay nước ngoài lãi suất cao và cơ cấu lại danh mục trái phiếu chính phủ theo hướng ưu tiên phát hành kỳ hạn dài trên 5 năm. Về chính sách tiền tệ, cần đảm bảo hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp qua đó giảm nguy cơ nợ xấu cho hệ thống.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát trong và ngoài nước đều thấp trong những tháng cuối năm 2020 tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên nếu kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đà phục hồi như vừa qua thì trong quý 1/2021 giá cả có thể gia tăng khi nguồn cung tiền thế giới tăng mạnh, do đó Ngân hàng Nhà nước cần chủ động ngay từ bây giờ lộ trình điều chỉnh chính sách tiền tệ để chủ động giảm áp lực lạm phát trong tương lai qua đó tiếp tục neo giữ kỳ vọng lạm phát dài hạn khoảng 4%.
Lãi suất cho vay còn cao là do nhiều yếu tố khác nhau tuy nhiên nếu tiếp tục duy trì lãi suất cho vay cao trong thời gian tới sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu đặc biệt trong bối cảnh đồng VND lên giá. Ngay lúc này, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp căn cơ, tổng thể để giảm dần lãi suất cho vay tại Việt Nam một cách bền vững.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP VỐN CHO DOANH NGHIỆP
Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, hiện nay nhu cầu vốn lưu động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất lớn. Các doanh nghiệp cần vốn lưu động để duy trì tính thanh khoản bao gồm khả năng tiếp tục trả lương cho người lao động, trả tiền thuê mặt bằng, thuê đất, thuê văn phòng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả nợ cho ngân hàng, trả thuế cho Chính phủ, trả bảo hiểm xã hội, và trả tất cả các chi phí thường xuyên khác.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Mặc dầu nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp bị tác động bởi tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh gây nên, không có khả năng vay tiền của ngân hàng. Dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại không được cho vay dưới chuẩn. Chính vì thế, tăng trưởng tín dụng rất thấp so với năm ngoái.
Trong khi các doanh nghiệp bị tác động hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam, thì ngành ngân hàng nổi lên như là một lĩnh vực kinh doanh tương đối khả quan, tính thanh khoản tốt và lợi nhuận cao. Điều đó tốt cho ngành ngân hàng vì hệ thống tài chính ngân hàng là huyết mạch của bộ máy tuần hoàn tiền tệ của nền kinh tế. Nhưng cũng chính vì những ưu thế của ngành ngân hàng mà ngành ngân hàng cần tham gia tích cực vào việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị tác động bởi đại dịch.
Do vậy, ông Hiếu đề xuất thành lập một tổ hợp tín dụng, các ngân hàng đều phải tham dự vào tổ hợp này với tỷ lệ tham gia tương đương 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn vì tác động của đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, để giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cần có quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Đây có thể là một giải pháp tài chính hữu hiệu để giải quyết bài toán vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang và sẽ bị tác động bởi dịch bệnh khắp hoàn cầu.