Gia nhập hàng ngũ 1% người giàu nhất không bao giờ là dễ dàng, và đặc biệt khó khăn ở Monaco. Bạn cần phải có tài sản gần 8 triệu USD để thuộc nhóm này tại công quốc nhỏ bé ở Địa Trung Hải, theo nghiên cứu mới của Knight Frank.
Thụy Sĩ và Mỹ đứng ở thứ hạng tiếp theo, đòi hỏi tài sản tương ứng là 5,1 triệu USD và 4,4 triệu USD để được vào nhóm 1%. Ở Singapore, với 2,9 triệu USD là sẽ giúp bạn đứng vào tầng lớp này.
Theo báo cáo, Mỹ dẫn đầu về số lượng người siêu giàu ngay cả khi mức tăng trưởng tài sản tăng mạnh gần đây ở các khu vực châu Á - Thái Bình Dương, như Trung Quốc và Hong Kong. Các tỷ phú giàu nhất khu vực hiện trị giá tổng cộng 2.700 tỷ USD, dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, gấp 3 lần so với cuối năm 2016.
Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo tiếp tục vượt mức tăng trưởng toàn cầu về số lượng người siêu giàu có tài sản hơn 30 triệu USD trong giai đoạn 2020-2025. Dẫn đầu khu vực này là Ấn Độ và Indonesia, với mức tăng trưởng 33%.
Singapore dự kiến cũng chứng kiến sự gia tăng, dù đây đã là trung tâm của nhiều người siêu giàu trên thế giới. Công ty quản lý tài sản gia đình của nhà đồng sáng lập Google Sergey Brin đang thành lập chi nhánh tại Singapore. Trong khi, tỷ phú Anh James Dyson đã chuyển công ty đầu tư của gia đình đến đó.
"Chỗ đứng của Châu Á - Thái Bình Dương với tư cách là trung tâm giàu có hàng đầu thế giới tiếp tục được củng cố", Victoria Garrett, người đứng đầu khu vực này của Night Frank, đánh giá.
Người giàu kiếm được lợi nhuận quá lớn trong khi chính phủ phải tốn kém cho các chi phí phát sinh vì đại dịch, đã khiến một số quốc gia áp dụng hoặc khai thác thuế tài sản. Hơn một phần ba cố vấn cho các cá nhân giàu có được khảo sát trong báo cáo của Knight Frank, cho biết vấn đề thuế là mối quan tâm chính đối với khách hàng của họ.
Những phát hiện trong báo cáo cũng nhấn mạnh rằng đại dịch đã nới rộng khoảng cách giữa các quốc gia giàu và nghèo. Tiêu chuẩn tài sản để vào 1% giàu nhất Monaco cao hơn gần 400 lần so với Kenya, xếp hạng thấp nhất trong số 30 địa điểm trong nghiên cứu của Knight Frank.
Ngân hàng Thế giới ước tính 2 triệu người ở Kenya đã rơi vào cảnh nghèo đói do cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong khi đó, 500 người giàu nhất thế giới đã có thêm 1.800 tỷ USD vào năm ngoái, theo Bloomberg. Trong đó các doanh nhân công nghệ Mỹ như Elon Musk và Jeff Bezos kiếm được nhiều nhất.