Năm xã thuộc huyện Lạc Dương và xã Tà Nung (TP Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng vừa hứng chịu đợt sương muối làm cây cà phê tại khu vực này bị cháy lá hư hại nặng.
Nguy cơ nợ nần
Nhiều hộ nông dân tại xã Đa Nhim, Đạ Chais, Xã Lát, Đạ Sa, Đưng K’Nớ của thị trấn Lạc Dương và xã Tà Nung (thành phố Đà Lạt) đang điêu đứng với gần 700 ha cà phê cháy khô và có thể phải loại bỏ.
Hàng trăm héc-ta cà phê chết cháy vì sương muối
“Năm ngoái cà phê mất mùa, chúng tôi phải bù lỗ gần cả trăm triệu đồng cho việc tưới nước, bón phân...Cứ nghĩ năm nay sẽ cứu lỗ cho năm trước nhưng không ngờ đợt sương muối cách đây hơn 1 tuần làm tiêu tan hy vọng gỡ lại vốn. Xem như vụ này trắng tay, chúng tôi tiếp tục nợ nần vì đã vay tiền ngân hàng mua phân bón” – nông dân Đà Góut K’Hai ứa nước nước mắt nói.
Còn ông Rơ K’Bin (thôn 3, xã Tà Nung, TP Đà Lạt) có 1 ha cà phê đã cháy khô từ giữa thân lên đến ngọn. Nhìn rẫy cà phê của mình đang chết đứng, ông Rơ K’Bin xót xa nói: “Mỗi năm chỉ nhờ vào thu hoạch cà phê này để trang trải cuộc sống gia đình. Thế mà cây cà phê gần như cháy hết rồi lấy đâu tiền mua gạo, nuôi vợ con. Bây giờ tôi chỉ mong chính quyền có kinh nghiệm gì hướng dẫn cho bà con làm sống lại vườn cà phê”
Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Tà Nung (TP Đà Lạt) cho biết toàn xã có 22 hộ dân trồng 109 ha cà phê, trong đó có 12 ha cà phê đang ra hoa bị ảnh hưởng đợt sướng muối vừa rồi. Theo ông Hùng, do thời tiết khô hạn, sương muối tấn công nên nhiều ha cà phê bị cháy khô. Biện pháp mà bà con đang áp dụng là chặt bỏ cành khô, tưới nước nhiều để tạo thành mầm mới, hoặc cắt bỏ thân cây phần trên để lại phần dưới mới hy vọng làm sống lại cây cà phê vào mùa vụ tới.
Nỗ lực khắc phục
Theo báo cáo của Sở NN - PTNT tỉnh Lâm Đồng, đợt sương muối từ ngày 10 đến 13-3 đã gây thiệt hại hại trên 600 ha chè, 20 ha rau, dâu tây và thiệt hại nặng nề nhất là cây cà phê tại huyện Lạc Dương, mức độ thiệt hại đối với cây cà phê trên 3 tuổi là 100%
Cây cà phê phải chặt bỏ 1/2 thân cây với hy vọng cây có thể ra cành mới
Sở NN- PTNT tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo bà con nông dân chặt bỏ cà phê đã cháy khô hoàn toàn, tiến hành trồng lại ngay trong tháng 5 đến tháng 6 năm 2015. Trong thời gian tái canh, bà con nên trồng xen các loại đậu, bắp, khoai môn... vào giữa hàng cà phê để có thêm thu nhập. Còn cây cà phê bị hư hại nhẹ nên cắt bỏ ngay những cành bị cháy càng sớm càng tốt, hoặc cắt sâu cắt bỏ ½ thân cây, thu gom cành, lá và cỏ dại tủ gốc để hạn chế thoát hơi nước. Đồng thời, nông dân tích cực tưới nước, bón phân vào đầu tháng 4-2015 để cà phê tạo thành cành mới. Ngoài ra, bà con trồng bổ sung những cây ăn quả như hồng, bơ, muồng... xung quanh vườn cà phê để chắn gió, làm bóng che hạn chế sương muối tấn công.
Sở cũng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ cây giống, phân bón cho các hộ dân, trong đó ưu tiên các hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc; chỉ đạo các ngân hàng cho giản nợ đối với những hộ dân có vay vốn chăm sóc cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.