Phạm Đức Bình là con trai của nhà Kiều học Phạm Văn Khoát - người mê Kiều đến độ xây cả vườn tượng ở Biên Hòa (Đồng Nai), đặt tên vườn Kiều để truyền cảm hứng cho con trai. Thế nhưng, cậu con trai không theo đường văn chương mà mê kinh doanh. Đến khi thành đạt, Bình mua khu đất rộng gần 10 ha nằm sát hồ Sông Mây thơ mộng với dự định mở vườn Kiều để “tôn vinh Kiều” theo nguyện vọng của thân phụ.
GÂY KINH NGẠC. Khi chưa học hết cấp hai, ông Khoát quyết định cho Bình sở hữu một chú heo con. Bốn năm sau, từ chú heo còi, Phạm Đức Bình có trong tay 4 lượng vàng lúc mới 15 tuổi. Năm 1980, bên cạnh trang trại của gia đình, Bình đã có trang trại gần 100 con heo, gây kinh ngạc cho thầy cô và bạn bè. “Thằng Bình sinh 28-10 năm Bính Ngọ (1966), năm đó cơ khổ trăm bề, chiến tranh ác liệt, mong mỏi ngày hòa bình nên tôi đặt tên nó là Bình, lại muốn con lớn lên phải có đức nên thêm chữ Đức đằng trước, cái tên Đức Bình của nó có ý nghĩa như thế” - thân phụ nhà doanh nghiệp Phạm Đức Bình tâm sự.
Ông Khoát đã tập cho các con tình yêu lao động ngay từ nhỏ. Học xong THPT, Bình lao ngay vào công việc kinh doanh. Từ 100 con heo, 6 năm sau, đàn heo của Bình lên đến 1.500 con. Lúc này, nhờ dồi dào nhân công nên Bình tập trung vào việc vực dậy thương hiệu cám Thanh Bình mà cha anh đã gầy dựng trước đây. Sau 2 năm vừa chăn nuôi vừa mày mò học hỏi sản xuất, năm 1992, Công ty Thức ăn gia súc Thanh Bình được xây dựng trên 2 ha đất với dây chuyền sản xuất hiện đại không thua gì nước ngoài.
Thị trường thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam thời điểm đó là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp nội với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Để tồn tại và phát triển từ vài trăm triệu đến vài ngàn triệu đồng như hiện nay, ông chủ PhạmĐức Bình đã lao tâm khổ tứ nhiều năm liền.
CHẤN ĐỘNG. Lúc ấy mới 26 tuổi nhưng Bình đã có quyết định táo bạo là xóa bỏ “chế độ gia đình trị” để cứu vãn công ty. Anh mời các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi về công ty để đảm nhận những chức vụ quan trọng. Từ đó thức ăn chăn nuôi Thanh Bình nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với nhiều chủng loại dành cho heo, gà, cá, tôm... Doanh số tăng vùn vụt, Bình không ngần ngại huy động vốn để đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ của Hà Lan. Thời vàng son nhất anh được báo chí phong là “vua heo”.
Bình không “tự sướng” với danh hiệu ấy. Năm 2006, anh làm cú chấn động trong giới kinh doanh khi là người đầu tiên mua công ty với giá 1 USD. Sự kiện này thu hút tò mò của giới doanh nhân và dư luận, Bình được coi là “tay liều” khi khai phá lĩnh vực kinh doanh mới tại Việt Nam: mua bán nợ.
Công ty đầu tiên Bình mua là Cheerfield Vina của Indonesia (trụ sở trong KCN Long Bình, Đồng Nai), có vốn đăng ký hơn 3,6 triệu USD. Do hoạt động không hiệu quả, Cheerfield Vina nợ khoảng 34 tỉ đồng và mất khả năng thanh toán nên rao bán công ty, Bình chấp nhận mua lại 100% quyền sở hữu với giá... 1 USD và chấp nhận thanh toán mọi khoản nợ. Đến nay, Bình đã mua khoảng 15 công ty như thế và đôi lúc được những món hời, như khu vườn ở Sông Mây rộng gần 10 ha nhưng sau khi thanh toán nợ thì giá trị chỉ khoảng 3 tỉ đồng.
“dự án hoa hồng”. Như nhiều doanh nhân khác, Phạm Đức Bình cố sức kiếm tiền và dùng tiền làm từ thiện. Ở Đồng Nai, nhiều người biết và phục Bình khi anh ta làm những việc “không giống ai”, kể cả chuyện làm từ thiện. Bình thành lập một dự án có tên khá mỹ miều: “Dự án hoa hồng”. Mở đầu cho dự án, Bình mua hơn chục ha đất xây 80 phòng trọ để giúp linh mục Nguyễn Văn Tịch ở giáo xứ Tây Hải làm nhà “tạm lánh” cho những cô gái lỡ bị người tình “mở khóa động đào” gây hậu quả rồi “quất ngựa truy phong”. Nếu cô nào muốn lập nghiệp ở Đồng Nai, Bình tạo công ăn việc làm, mở trường mẫu giáo miễn phí...
Ngoài “Dự án hoa hồng”, Bình còn dành nguồn quỹ tiền mặt trên 2 tỉ đồng để hỗ trợ vốn cho các phụ nữ đơn thân, trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ, người già neo đơn, người khuyết tật với phương châm “tặng bạn cần câu” để “câu cá”. Bình hào hứng nói về ước mơ của mình: “Chúng tôi trân trọng trao cơ hội như những đóa hồng tương lai để những người không may mắn làm chủ cuộc sống và trở thành nhân tố có ích cho xã hội”.
Dù biết sức người có hạn nhưng tôi vẫn thầm mong ước mơ “Dự án hoa hồng” của anh thành vườn hồng.