Ngày 8-4, Ban Chỉ đạo dự án phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành họp bàn kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý sẽ quy hoạch vùng trồng mắc ca, dự kiến trước mắt dự kiến quy hoạch 22.025 ha giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở tái canh một số cây trồng đã già cỗi, hiệu quả kinh tế kém. Trong đó, trồng xen là 20.530 ha (chiếm 93% tổng diện tích), trồng thuần là 1.470 ha và 25ha là để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất giống. Việc trồng xen canh sẽ không phá vỡ cơ cấu các cây trồng chiến lược tại địa phương và để tăng giá trị thu nhập trên một diện tích. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng bác bỏ kế hoạch trồng 200.000 ha mắc ca trong những năm tới vì cho rằng diện tích trồng mắc ca của cả thế giới hiện nay cũng chỉ xấp xỉ con số này.
Trước đó, tập đoàn Him Lam đề xuất trồng tới 200.000 ha mắc ca ở vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Đại diện Him Lam cho biết, dự án mắc ca của Him Lam chỉ khuyến khích người dân trồng xen và trồng trên đất phù hợp, không khuyến khích người dân phá vỡ cây trồng đang sinh trưởng tốt để trồng mắc ca. Ngoài ra, Him Lam cam kết tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân cũng như bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, người trồng mắc ca sẽ được bảo hiểm 100% (công ty bảo hiểm do Him Lam làm cổ đông chủ chốt) nếu làm theo đúng dự án.
“Trong mọi trường hợp rủi ro xảy ra, nhờ có bảo hiểm nên người nông dân đều không bị thiệt, nếu không may bị mất mát thì chỉ có công ty bảo hiểm và Him Lam gánh chịu. Nhưng tôi tin chắc nông dân chỉ có lợi vì dự án sẽ thành công, khi chúng ta đã có tới 20 năm trồng thí điểm loại cây này và đã có kết quả tốt”, ông Dương Công Minh, Chủ tịch tập đoàn Him Lam khẳng định.
Tập đoàn Him Lam cho biết sẵn sàng đầu tư trồng 10.000 ha mắc ca nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân. Mắc ca hiện đang trở thành loại cây trồng “gây sốt” với nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên trồng ồ ạt loại cây này hay không và hiệu quả kinh tế trong tương lai?